Chính phủ họp bàn giải quyết 'điểm nghẽn' về thể chế

(PLO) - Phát biểu khai mạc Phiên họp thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, công tác xây dựng thể chế phải tiếp tục được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có báo cáo về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
 Chính phủ họp bàn giải quyết 'điểm nghẽn' về thể chế

Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong ngày đầu tiên của phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ thảo luận về công tác xây dựng thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội.

Phát biểu mở đầu gợi ý các thành viên Chính phủ thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là hai nội dung lớn của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016. Chính phủ sẽ dành trọn một ngày cho vấn đề xây dựng thể chế, nội dung về kinh tế-xã hội sẽ được thảo luận trong ngày thứ hai của phiên họp.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm đã được Chính phủ xác định tại phiên họp thường kỳ tháng 4, đó là xây dựng Chính phủ thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế.

“Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh? Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức nơi này, nơi khác…”, Thủ tướng nhận định.

“Do đó, tại phiên họp này, chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của thể chế, cần kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, đặc biệt là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đồng thời thảo luận thông qua các dự án luật, pháp lệnh cụ thể”, Thủ tướng đề nghị.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo về tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư gặp một số khó khăn, vướng mắc như trong thời gian ngắn, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng để ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết; nhiệm vụ được giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ quy định ở nhiều văn bản khác nhau, trong đó một số nội dung giao chưa bảo đảm tính thống nhất, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong ban hành văn bản quy định chi tiết; do thời gian gấp, đa phần các nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện theo quy trình rút gọn nên việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn hạn chế, không đánh giá tổng kết thực tiễn, nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn lẫn với quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Cũng tại Phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo về việc áp dụng quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh đã được vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và năm 2017; các nghị định đã đưa vào chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ; các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã được đưa vào Chương trình xây dựng nghị quyết năm 2016.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khác với quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008  và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, cụ thể như sau: Luật năm 2015 quy định luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi soạn thảo phải lập đề nghị xây dựng văn bản, trong đó phải thực hiện một số nhiệm vụ như: tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách, thông qua chính sách…

Tuy nhiên, theo quy định của Luật năm 2008 và Luật năm 2004 thì những công việc này được tiến hành trong quá trình soạn thảo văn bản. Trong khi đó, các dự án luật, pháp lệnh đã được vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; các nghị định đã đưa vào chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ; các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã đưa vào Chương trình xây dựng nghị quyết năm 2016 được lập đề nghị xây dựng theo quy định của Luật năm 2008 và Luật năm 2004.

Do vậy, kể từ ngày 01/7/2016, nếu áp dụng quy định mới của Luật năm 2015 cho việc soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản nêu trên sẽ gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan chủ trì soạn thảo và có thể làm chậm tiến độ soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.

Do vậy, để kịp thời hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong việc soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản, Bộ Tư pháp đã đề nghị đưa vào Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2016 của Chính phủ nội dung sau: “Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và năm 2017 của Quốc hội, các dự thảo nghị định đã được đưa vào chương trình công tác của Chính phủ năm 2016 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, các dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã được đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết năm 2016 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 thì không phải làm lại hoặc thực hiện bổ sung các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”.

Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận, với quyết tâm cao dành trọng tâm cho công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ cần nâng cao nhận thức, xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ mà Đảng và Nhà nước đã giao. Mặc dù thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng “nợ đọng” văn bản vẫn còn. Đây là yêu cầu bức thiết đòi hỏi phải khẩn trương giải quyết.

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ trưởng các bộ còn nợ đọng văn bản chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, phải báo cáo giải trình nghiêm túc trước Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng thể chế thời gian qua là xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực sự quan tâm trực tiếp, sâu sắc đến công tác này.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quan tâm hơn nữa, đầu tư nguồn lực để soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giải quyết dứt điểm tình trạng “nợ đọng” văn bản; đồng thời, cần đưa công tác xây dựng thể chế vào nội dung họp giao ban của các bộ, cơ quan ngang bộ. Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn và dành nhiều thời gian hơn để thảo luận về công tác xây dựng thể chế.

Liên quan đến việc xây dựng, ban hành các nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo trình tự, thủ tục rút gọn nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo trình tự, thủ tục rút gọn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc lấy ý kiến dự án, dự thảo văn bản không là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên, các cơ quan chủ trì soạn thảo phải hết sức lưu ý đến vấn đề công khai, minh bạch, tham vấn ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Trong tháng 5/2016, tính đến hết ngày 31/5, các bộ, cơ quan ngang bộ mới ban hành được 06/230 văn bản quy định chi tiết, đạt 2,6%. Còn 224 văn bản chưa được ban hành, chiếm 97,4%. Trong số này có 37 nghị định, quyết định cần phải ban hành trước ngày 01/7/2016, song chỉ có 19 văn bản đã thẩm định hoặc đã trình Chính phủ, dự kiến có thể ban hành trước ngày 01/7/2016, còn lại nếu không cố gắng thì khó có thể ban hành được trước ngày 01/7/2016.

Đối với văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, đến nay, còn 49 nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh chưa ban hành. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự thảo nghị định nên tính đến 31/5/2016, có 45/47 nghị định do các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đến đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Đọc thêm