Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore |
CNN dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các thiết bị có thể được Mỹ bán cho Nhật theo thương vụ nói trên bao gồm 4 tên lửa SM-3 Block IIA, 4 hộp số tên lửa MK 29 và các dịch vụ kỹ thuật, thiết kế và hậu cần hỗ trợ khác. SM-3 Block IIA là tên lửa chống tên lửa đạn đạo có thể được triển khai trên tàu khu trục lớp Aegis hoặc từ đất liên thông qua chương trình Aegis Ashore.
“Nếu được ký kết, thương vụ mua bán đã được đề xuất này sẽ đóng góp vào lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách củng cố khả năng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong việc bảo vệ Nhật Bản và khu vực phía tây Thái Bình Dương khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo”, vị quan chức cho biết.
Vẫn theo vị quan chức này, thương vụ mua bán trên cũng sẽ hiện thực hóa cam kết của Tổng thống Donald Trump về việc cung cấp năng lực phòng vệ bổ sung cho các đồng minh có ký hiệp ước của Mỹ trong trường hợp các nước này bị đe dọa bởi hành vi khiêu khích của Triều Tiên.
Động thái của giới chức Mỹ diễn ra sau khi Triều Tiên trong năm 2017 đã tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo bất chấp những chỉ trích liên tục từ phương Tây và cả những lệnh trừng phạt thương mại. Thời khắc khiêu khích nhất diễn ra vào ngày 29/11, khi Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có khả năng tấn công tới lục địa của Mỹ và có gắn một đầu đạn hạt nhân siêu lớn.
Reuters đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong phát biểu hôm tuần trước nói rằng tình hình an ninh mà Nhật đang đối mặt là nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh thế giới II. Ông Abe cũng đã cam kết sẽ tăng cường quốc phòng để bảo vệ người Nhật. Chính phủ Nhật hồi tháng trước cũng đã phê chuẩn ngân sách quân sự kỷ lục với mức 5,19 nghìn tỉ yen (46 tỉ USD), tăng 1,3% so với năm trước đó và là năm liên tiếp ngân sách quốc phòng của Nhật tăng. Khoản chi lớn nhất trong gói chi này là khoản 137 tỉ yen để mua 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ nhằm củng cố khả năng phòng vệ của Nhật trước tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trong bài phát biểu, ông Abe cũng cho biết ông muốn sửa bản Hiến pháp hòa bình của Nhật theo hướng nới lỏng các hạn chế đang được áp dụng với quân đội nước này dù dư luận Nhật vẫn đang còn chia rẽ về đề xuất này. “Tôi muốn trong năm nay cuộc tranh luận công khai về việc sửa đổi hiến pháp sẽ được làm sâu hơn”, ông nói.
Tuy nhiên, động thái của Mỹ và Nhật đã vấp phải sự phản đối của phía Nga với lý do thương vụ này vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung của Mỹ và Nga có hiệu lực 30 năm qua. Phía Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Hôm 8/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera về một loạt các vấn đề liên quan đến liên minh Mỹ - Nhật. Ông Mattis khi đó cũng đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật và hợp tác chặt chẽ với Nhật để thúc đẩy năng lực của liên minh quan trọng Mỹ - Nhật.