Sáng nay (21/12), Trung tâm phụ nữ và phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tổ chức tọa đàm về cơ chế hỗ trợ liên ngành cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới nhằm tìm ra những giải pháp tăng cường hiệu quả cho các mô hình hỗ trợ các đối tượng này.
Chưa vượt qua được “rào cản” thủ tục để hỗ trợ nạn nhân BLGĐ
Dù đánh giá cao mô hình nhà tạm lánh đối với việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ), nhưng GS.TS.Lê Thị Qúy – chuyên gia về BLGĐ chỉ ra rằng mô hình này còn hạn chế.
Đó là “phải giấu kín nạn nhân” khiến nạn nhân cảm thấy bản thân có lỗi, còn thủ phạm thì nhởn nhơ và thấy mình không có lỗi gì, thậm chí có thể tẩu tán hết tài sản khiến nạn nhân khi trở về thì rơi vào tình cảnh “trắng tay”.
Đây là “quy trình ngược” trong xử lý các vụ việc BLGĐ so với các nước. Như ở Philippines, người gây BLGĐ sẽ bị cách ly khỏi gia đình và nạn nhân thì được bảo vệ ngay tại nhà.
Ngoài ra, đại diện Đường dây nóng của Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH) còn cho biết, nhiều trường hợp nạn nhân được đưa đến nhà tạm lánh trở về lại bị cộng đồng, gia đình kỳ thị là “bỏ nhà đi”, nhiều người bị ngăn cản tiếp cận con cái...
Thảm cảnh đó khiến nhiều nạn nhân BLGĐ sợ không dám tố cáo người gây BLGĐ với mình hay không dám tìm đến các mô hình hỗ trợ khi bị bạo lực mà chỉ âm thầm chịu đựng. Đồng thời cho thấy điểm hạn chế của mô hình hỗ trợ nạn nhân BLGĐ hiện hành.
Phân tích thêm về những hạn chế, bà Tạ Thị Minh Lý – Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam phản ánh, chưa Tòa án nào ra quyết định cấm thủ phạm tiếp xúc nạn nhân như quy định của pháp luật cho thấy TA không vào cuộc phòng chống BLGĐ mà nguyên nhân xuất phát từ việc chính quyền, Công an, Hội Phụ nữ tại địa phương không vào cuộc.
Trong khi đó, trừ các trường hợp nghiêm trọng có thể đưa nạn nhân vào nhà tạm lánh, còn đa số chưa vượt qua được thủ tục giấy tờ vì chính quyền địa phương thường không muốn xác nhận để đưa nạn nhân BLGĐ đến các cơ sở hỗ trợ mà chỉ yêu cầu phải có ý kiến của chồng nạn nhân – người gây bạo lực.
Cần có tổ chức hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngay tại cộng đồng
Với nhận định “con đường chống BLGĐ rất gian nan với khoăn lớn nhất là pháp luật không chặt, cơ chế hỗ trợ tài chính cho các thiết chế hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ chưa được thực hiện”, các chuyên gia phòng chống BLGĐ thấy cần có tổ chức hỗ trợ tại cộng đồng, dựa trên sức cạnh cộng đồng để giải quyết ngay các vấn đề tại cộng đồng và giảm thiểu chi phí cho hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ.
Cùng với đó, Nhà nước phải có hỗ trợ thực tế, truyền thông phải đi trước và chính quyền cần bảo hộ tích cực cho các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ bởi “khi thay đổi nhận thức của cộng đồng thì có thể thay đổi được nhiều vấn đề. Nhưng nếu thiếu sự bảo lãnh của chính quyền địa phương thì các địa chỉ tin cậy chỉ mang hình thức” – GS.TS.Lê Thị Quý kết luận.
Đồng thời, các chuyên gia cũng kiến nghị thành lập những trung tâm gần biên giới để tiếp cận nạn nhân bị buôn bán và cả nạn nhân bị BLGĐ, nạn nhân bị lạm dụng lao động, những người lang thang…
Hình thành các đội công tác liên ngành (như đang thí điểm tại Hà Giang, Lào Cai) gồm hải quan, biên phòng, UBND xã, LĐTB&XH, hội phụ nữ… nhóm cộng đồng để hỗ trợ các nạn nhân, đưa họ đến địa chỉ tin cậy hoặc ngôi nhà bình yên. Tăng cường kinh phí cho hoạt động của các ngôi nhà bình yên.
Hiện có 2 nhà tạm lánh tên là Nhà Bình Yên dành cho phụ nữ bị bạo lực gia đình và phụ nữ bị buôn bán trở về.
Qua gần 10 năm vận hành, mô hình này đã giúp đỡ được cho hơn 900 nạn nhân, thường là những trường hợp nghiêm trọng. Đa số họ được giúp đỡ hiệu quả và tái hòa nhập cộng đồng tốt. Cùng với đó, cả nước có 30.000 địa chỉ tin cậy nhưng hiệu quả hoạt động còn nhiều vấn đề đặt ra.
Bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, yếu tố quan trọng cho sự vận hành các mô hình này là cần sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, luật sư, nhà tư vấn tâm lý, đào tạo nghề, tổ chức việc làm… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 21/2016/QĐ-TTg (ngày 17/5/2016) ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về PC BLGĐ.