Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2024/NĐ-CP quy định mức thu LPTB đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.
Theo đó, từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/11/2024: Mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về LPTB; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/12/2024 trở đi: Mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về LPTB; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo tính toán, chính sách có thể làm giảm thu NSNN về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng.
Ngoài ra, việc giảm mức thu này có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.
Giảm LPTB sẽ làm tăng số lượng xe tiêu thụ |
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe tiêu thụ và đăng ký, nên số thu từ LPTB, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) có thể tăng.
Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế TTĐB và thuế GTGT chỉ tập trung ở 8 địa phương- nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương), từ đó có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương.
Việc giảm 50% mức thu LPTB đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành. Chính sách còn góp phần tăng quy mô của thị trường nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su... Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất của các nhà máy tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, DN trong nước chiếm khoảng 65%, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/ năm.
Lần gần nhất là thực hiện giảm 50% LPTB theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP trong 6 tháng cuối năm 2023 đã làm số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 176.483 xe, bình quân 29.413 xe/tháng (6 tháng đầu năm 2023 là 107.194 xe, bình quân 17.865 xe/tháng).