Cho "hai chàng" cưới nhau là "thách thức" dư luận và pháp luật

Tình yêu đồng tính còn bị coi là “lệch chuẩn” so với các chuẩn mực văn hóa, xã hội thì hệ thống pháp luật cũng không công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới. Do đó, việc hai gia đình tại Kiên Giang tổ chức đám cưới cho người đồng tính không chỉ là sự “thách thức” dư luận mà còn vi phạm pháp luật.

[links()]Nhiều cá nhân và tổ chức công khai ủng hộ người đồng tính “sống chung như vợ chồng” và cho rằng đó là quyền tự do cá nhân.

Mấy ngày qua, dư luận “choáng váng” khi nghe tin gia đình của hai nam thanh niên là Trương Văn Nên và Nguyễn Hoàng Bảo Quốc ở huyện Hà Tiên (Kiên Giang) tổ chức “đám cưới” cho “cô dâu, chú rể” đều là đàn ông. Việc tổ chức đám cưới đồng giới này đã vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. 

Hai người đàn ông trong đám  cưới đồng tính ở Hà Tiên
Hai người đàn ông trong đám cưới đồng tính ở Hà Tiên

Hơn thế nữa, một đám cưới đồng giới được hai gia đình tổ chức còn là một "cú đánh thẳng" vào các giá trị truyền thống, thuần phong, mỹ tục của người Việt. Nhiều người hiếu kỳ đến chứng kiến đám cưới có một không hai tại Việt Nam còn nhiều người khác đã lên tiếng công khai phản đối “đám cưới” lệch chuẩn này.

Tình yêu đồng giới không phải là hiện tượng xa lạ đối với con người mà hiện tượng này đã có từ lâu, từng bước “công khai hóa” theo trào lưu và phụ thuộc vào hệ thống pháp luật cũng như thái độ của người dân của mỗi quốc gia. Ở các nước phương Tây và các quốc gia không chịu ảnh hưởng của tôn giáo hà khắc, tình yêu đồng giới ít bị lên án và những người yêu đồng giới ít bị kỳ thị nên đã tồn tại khá công khai trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, ở Việt Nam những người có tình cảm đồng tính thì không được “hoan nghênh”, họ đặc biệt bị kỳ thị bằng với nhưng danh từ mang tính miệt thị như “pê đê” (người đồng tính nam). Do đó, những người có tình yêu đồng tính thường giấu diếm nhu cầu tình cảm, tình dục của mình để sống “yên thân” trong một xã hội không quen với sự “không bình thường” này.

Tình yêu đồng tính còn bị coi là “lệch chuẩn” so với các chuẩn mực văn hóa, xã hội thì hệ thống pháp luật cũng không công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới. Do đó, việc hai gia đình tại Kiên Giang tổ chức đám cưới cho người đồng tính không chỉ là sự “thách thức” dư luận mà còn vi phạm pháp luật.

Qua sự việc này cũng cho thấy, những người “đồng giới” đang muốn công khai sự khác biệt của họ và đòi xã hội phải tôn trọng sự khác biệt đó, đồng thời đòi hỏi hệ thống pháp luật phải công nhận quyền tự do về tình cảm của người đồng giới. Thậm chí, còn có nhiều phương tiện truyền thông bênh vực “sự khác biệt” này và đòi hỏi cơ quan lập pháp phải sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có việc công nhận hôn nhân đồng giới nhằm chống lại sự kỳ thị của “số đông” đối với “số ít”.

Xung quanh vấn đề gây tranh cãi này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Việt để làm rõ hơn các quy định của pháp luật cũng như khuynh hướng xây dựng pháp luật liên quan đến người đồng giới.

Thưa Luật sư, xin ông cho biết việc tổ chức đám cưới cho người đồng giới có vi phạm pháp luật hay không và nếu có thì mức độ vi phạm như thế nào?

- Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì Nhà nước cấm kết hôn đồng giới. Những người cùng giới tính không được kết hôn với nhau và không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì hành vi kết hôn đồng giới có thể bị phạt từ 100 đến 500 nghìn đồng và buộc phải chấm dứt quan hệ “hôn nhân” trái pháp luật này.

Như vậy, việc kết hôn của những người cùng giới tính là trái pháp luật, thuộc trường hợp bị xử lý hành chính. Người bị xử lý hành chính là “đương sự” trong cuộc hôn nhân không hợp pháp đó.

Hiện nay có quan điểm cho rằng, pháp luật cần phải tôn trọng sự khác biệt của người đồng tính và cho họ được quyền chung sống hợp pháp với “người yêu” bằng việc công nhận hôn nhân đồng tính, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tình yêu đồng tính là một vấn đề xã hội nhưng hôn nhân đồng tính là vấn đề pháp lý. Từ chỗ là một hiện tượng xã hội đến sự công nhận của pháp luật đối với hiện tượng xã hội đó thì cần phải xem xét đến các hệ quả của việc công nhận đó đối với sự phát triển bình thường của xã hội.

Tôi không đồng tình với việc công nhận hôn nhân đồng giới và tôi cũng tin rằng, hầu hết chúng ta không đồng ý với đòi hỏi này. Vì, trên phương diện tình yêu hay tình dục thì đồng tính cũng là hiện tượng không lành mạnh. Với sự tôn trọng tự do cá nhân thì “đồng tính” không bị Nhà nước lên án bằng các chế tài pháp lý. Song, để công nhận nó đồng nghĩa với việc khuyến khích sự lệch chuẩn phát triển và điều đó sẽ không có lợi cho việc phát triển bình thường của xã hội.

Trong khi đó, pháp luật có chức năng duy trì sự phát triển bình thường và lành mạnh của xã hội. Vì thế không thể công nhận hôn nhân đồng tính bằng pháp luật.

Hiện có một số quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính, ông cắt nghĩa như thế nào về việc công nhận sự “lệch chuẩn” của các quốc gia này, thưa ông?

- Trong tư duy lập pháp thì công nhận quyền của công dân đồng nghĩa với việc xác định nghĩa vụ của Nhà nước. Vì thế, nhiều quốc gia cho rằng, người đồng tính có quyền tự do cá nhân trong biểu lộ xúc cảm và tự do về tình dục nên để tránh cho việc tự do của công nhân bị xâm phạm (như kỳ thị hoặc bị coi là bất hợp pháp), Nhà nước phải ban hành luật để bảo vệ sự tự do đó.

Trong tư duy lập pháp của chúng ta thì tự do cá nhân cũng rất quan trọng, song tự do cá nhân cũng có những giới hạn nhất định để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển bình thường của xã hội. Vì thế, những người đồng tính vẫn có sự tự do về tình cảm, thậm chí là tình dục đồng giới nhưng rõ ràng là không được khuyến khích nên pháp luật không công nhận quan hệ chính thức của họ.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm