Là xã đảo duy nhất của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, xã Vạn Thạnh có 1.377 hộ dân với 6.050 khẩu, phân bổ ở 6 thôn, trong đó có 3 thôn bán đảo và 3 thôn là đảo, nằm xa đất liền. Do địa hình đi lại xa xôi, trắc trở nên việc người dân muốn tìm hiểu, tiếp cận với những quy định của pháp luật trong cuộc sống hàng ngày gặp khá nhiều khó khăn…
|
Ông Võ Đình Tuấn đang nêu thắc mắc về thủ tục để hưởng chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên |
Vượt sóng đi tuyên truyền pháp luật
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2013, Phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh triển khai việc tuyên truyền pháp luật cho người dân ở các thôn đảo. Ngày 4/5 vừa qua, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Khánh Hòa tổ chức đợt tuyên truyền pháp luật và TGPL cho người dân tại thôn Ninh Tân. Được tham gia cùng Đoàn công tác ra đảo tuyên truyền pháp luật, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự khó khăn trong công tác tư pháp của địa phương.
Nằm cách thị trấn Vạn Giã khoảng 8 hải lý, sau hơn 2 giờ đồng hồ đi tàu, thôn Ninh Tân đã hiện dần ra trước mắt. Toàn thôn có 92 hộ dân với khoảng 420 nhân khẩu. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Đây là 1 trong 3 thôn của xã chưa có điện lưới quốc gia. Mỗi ngày máy phát điện thắp sáng trên đảo chỉ có từ 18h đến 21h, hôm nào máy phát điện bị hỏng thì mọi sinh hoạt ban đêm chỉ bằng đèn dầu hoặc bình ắc quy. Vì vậy, không chỉ thiếu thốn vật chất, tinh thần mà cuộc sống của người dân trong thôn còn rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, tiếp cận với những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của nhà nước.
Đăng ký khai sinh, khai tử hay xin cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch… không phải quá khó đối với người dân trong đất liền, nhưng đối với người dân ở đây là cả vấn đề lớn. Bởi, trụ sở UBND xã đóng tại bán đảo Đầm Môn mà mỗi ngày chỉ có 1 chuyến tàu vào và 1 chuyến tàu ra đảo cách nhau khoảng 3 tiếng đồng hồ, rồi thời tiết mưa bão... Đi lại khó khăn, hiểu biết về pháp luật có hạn và nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nhiều việc tưởng dễ lại trở nên quá khó đối với họ. Chính vì thế, những năm qua, Vạn Thạnh là địa phương luôn được sự quan tâm đặc biệt của Phòng Tư pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thôn chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, do vậy, buổi tuyên truyền pháp luật và TGPL được thực hiện ngay tại phòng học mượn của điểm trường Tiểu học trên đảo. Dù vậy, khi nghe có Đoàn công tác ra đảo, khá đông người dân trong thôn đã đến dự nghe. Tại buổi tuyên truyền, những vấn đề cơ bản của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, lợi ích từ việc thực hiện đúng các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch trong cuộc sống… đã được cán bộ Phòng Tư pháp và Trung tâm TGPL truyền đạt đến người dân.
Cũng tại buổi tuyên truyền, nhiều thắc mắc của người dân như bà Lê Thị Bích (sinh năm 1964) hỏi về thủ tục cấp lại giấy khai sinh cho con, hay ông Võ Đình Tuấn (sinh năm 1964) có con đang theo học Trung cấp xây dựng tại tỉnh Phú Yên nhưng không biết phải làm như thế nào để được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP. Rồi việc phân chia tài sản của cha mẹ đã mất cho anh chị em, chuyện giấy khai sinh không còn bản chính, bản sao bị rách nát thì phải làm như thế nào để được cấp lại… Các vướng mắc của người dân đã được cán bộ trong Đoàn công tác lần lượt giải đáp, hướng dẫn tận tình.
Tư pháp bám dân, bám đảo
Về nhận công tác tại xã vừa tròn một năm, chị Trần Thị Kim Hoàng, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã rút ra kinh nghiệm: địa hình của xã phân bổ rải rác, các đảo nằm cách xa nhau nên mỗi khi sắp xếp lịch đi xuống thôn phải kết hợp làm nhiều việc như gặp trưởng thôn để nắm tình hình chung của thôn, họp dân để phổ biến những quy định mới của nhà nước, tuyên truyền quy định về hộ tịch và nhận hồ sơ ban đầu của người dân về đăng ký khai sinh, khai tử và hướng dẫn các thủ tục hành chính khác.
Việc trả kết quả những giấy tờ hộ tịch của dân thông qua những lần Trưởng thôn đi họp hoặc qua người quen của họ từ đảo vào. “Phải làm như vậy để giúp người dân khỏi phải đi lại nhiều lần mất thời giờ, đỡ tốn kém tiền bạc của họ”, chị Hoàng cho biết. Nhờ đó, kết quả công tác hộ tịch đạt được khá cao. Cụ thể năm 2012, đăng ký khai sinh cho 166 trẻ em, có 139 trẻ đăng ký đúng hạn – đạt 83,7%, kết hôn 56 trường hợp, khai tử: 34 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2013, đăng ký 107 trẻ em, đúng hạn 64 trẻ – đạt 72,7%, kết hôn 29 trường hợp, khai tử: 18 trường hợp.
Nhận xét về công tác tư pháp xã, ông Hồ Quang Thành – Trưởng phòng Tư pháp huyện đánh giá: so với các xã, thị trấn khác thì kết quả hộ tịch ở Vạn Thạnh không cao. Nhưng đặt trong bối cảnh cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã chỉ có một người, địa bàn cách trở thì mới thấy hết sự nỗ lực vượt khó, vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật trong công tác của cán bộ cơ sở.
Ông Hồ Quang Thành cho biết thêm, do đặc thù của xã đảo nên việc bố trí thời gian đi về thôn tuyên truyền pháp luật rất là khó khăn, mỗi lần tuyên truyền chỉ có 1 buổi nhưng phải đi mất gần 2 ngày, chủ yếu là phụ thuộc vào tàu thuyền, công việc làm ăn của người dân và phải làm sao vừa phù hợp với lịch công tác của Phòng. Cũng chính vì thế, từ tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay, Phòng mới hoàn thành kế hoạch tuyên truyền pháp luật cho người dân ở 4 thôn xa đất liền.
“Khi người dân trên đảo được nâng cao nhận thức về pháp luật, họ sẽ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, làm ăn sinh sống trong khuôn khổ pháp luật. Như vậy là mình đã góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành” ông Hồ Quang Thành tâm sự.
Đặng Hữu