Chợ Tết quê giữa lòng phố Hà Nội

Mặc cho những tất bật, hối hả, mặc cho những đổi tay của cuộc sống hiện đại len lỏi từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, cứ tới những ngày áp Tết, người Làng Mọc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, mong chờ một ngày chợ phiên, chợ 27 Tết...


Mặc cho những tất bật, hối hả, mặc cho những đổi tay của cuộc sống hiện đại len lỏi từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, cứ tới những ngày áp Tết, người Làng Mọc - Ngã Tư Sở Hà Nội mong chờ một ngày chợ phiên, chợ 27 Tết...

Phiên chợ mong nhớ

Ai đó nói, một trong những nét làm nên cái hồn của Hà Nội là những gánh hàng rong, những món quà quê kiểng - bởi ở đó mỗi người nhìn thấy một miền quê đầy thương nhớ của mình.

Phiên chợ quê truyền thống và độc đáo của Hà Nôi được họp tại phố Quan Nhân, phường Nhân Chính. Không giống những phiên chợ khác, chợ quê Nhân Chính một năm chỉ họp một lần và “vẻn vẹn” trong một buổi sáng ngày 27 tháng Chạp.

Từ tối muộn 26 Tết, một số hộ đã lục đục chuyển hàng về đây. Nhà nào cẩn thận thì vẽ vôi trắng khoanh vùng, “xí” chỗ chuẩn bị cho buổi chợ được bắttừ 4h. Phiên chợ thực sự tập nấp và đông vui từ quãng 7h hơn. Hàng đổ về chợ càng nhiều. Con đường nhỏ Quan Nhân  bỗng chốc đã biến thành một phiên chợ đông đúc. Các nghệ nhân nặn tò he, bán tu huýt, chị bán lá mùi lỡ có đến muộn nhưng cũng chẳng vội phiền bởi không khó để tìm được chỗ ngồi bán hàng.

Chợ Tết quê giữa lòng phố Hà Nội ảnh 1

Bác Lê Sỹ Thận, người gốc Quan Nhân cho hay: Có lẽ vì xưa kia, khu Quan Nhân gắn với cầu Mọc hiện nay vốn là vùng đất nông nghiệp thuần túy nằm ở phía Nam TP và chợ 27 Tết dần dần được hình thành từ nếp kinh doanh đó.

“Suốt hơn nửa thế kỷ qua, dù có bận mấy, chỉ cần dạo chợ một vòng là sắm đủ đồ dùng cho mấy ngày Tết. Cây nêu, các mặt hàng lương thực - thực phẩm, các loại rau hoa quả của vườn nhà dân dã mà tươi ngon. Đã là chợ quê thì không thể thiếu tranh Đông Hồ và các trò chơi dân gian như tò he, tu huýt, chơi cò quay...”, bác Phương, nhà số 1, ngõ 144 nhớ lại.

Nếu như tại những vùng quê Bắc Bộ, đi chợ phiên là tới với một không gian quen thuộc, là nơi thăm hỏi thân quen thì tại chợ 27, những người bán hàng không phải người vùng này mà là dân từ khắp nơi cứ quen nếp, đến ngày đó mang hàng về chợ bày bán.

Bao nhiêu năm qua, cho dù mọi sự có thay đổi, làng giờ đã chuyển thành phố; siêu thị hiện đại đã về với Quan Nhân; hàng hoá phục vụ tận cửa nhà nhưng chợ 27 vẫn nguyên nếp xưa cũ với thời gian. Đó là những gánh hoa tươi mộc mạc; mớ rau thơm làng Láng nổi tiếng; chiếu chuối xanh, bưởi vàng, phật thủ, hồng, khế, mía tím; mẹt cau; gánh củ đậu, lá rong, dây lạt làm bánh chưng…

Trong khi người lớn tất bật chọn hàng thì trẻ em lại thích thú với những chùm bóng bay rực rỡ hay quây quanh bác nặn tò he với đôi mắt tròn xoe kinh ngạc… Đâu đó, một vài cụ già lớn tuổi dắt cháu thong dong dạo bước, ngắm dòng người đi lại mua sắm.

Về miền kí ức

Hơn 20 năm sinh sống ở nước ngoài, trở về với ngày Tết quê hương, anh Hùng - người con của làng - đã thực sự thảng thốt và bất ngờ. “Ngày 27 Tết, bước ra cửa, tôi ngạc nhiên vì chợ vẫn tồn tại, giữ nguyên những nét hoang sơ và dân dã của những năm 60 – 70 thế kỷ XX. Ngày đó lũ trẻ con chúng tôi háo hức lắm, thức suốt đêm hôm trước để chờ sớm mai được theo mẹ đi chợ Tết. Cả năm mới có một lần mà. Sống xa nhà đến 20 năm, tưởng rằng chợ đã bị mai một dần. Vậy mà ở tuổi 50 rồi vẫn được cùng con, dắt cháu ngắm chợ thì thật chẳng có gì bằng”, anh Hùng chia sẻ.

Không chỉ gia đình anh Hùng, nhiều người Quan Nhân khác dù đã sắm Tết đầy đủ nhưng đến ngày 27 Tết cũng phải ghé qua chợ. Nếu không mua được món hàng thì cũng chẳng sao bởi trong không khí chợ phiên ấm áp, hiền lành đó, mỗi người đều thấy những vẻ đẹp khó tả. Từ mớ lạt, ống giang, bó lá dong làm bánh chưng cho đến các loại thịt, cá, quần áo, tranh dân gian… Tất cả đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng gió nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất và để rồi như cất lên lời mời thưởng thức…

Ai cũng có một miền quê sinh ra và do đó ai cũng có hình ảnh phiên chợ quê trong lòng. Ai cũng có tuổi ấu thơ đã từng mong bà, mong mẹ, chị đi chợ về để có quà, dù đó chỉ là gói xôi, gói bánh cuốn, củ khoai, khúc sắn luộc, bắp ngô nướng… mà sao ta mong, ta nhớ. Chợ quê với những mái lá đơn sơ, cọc tre mộc mạc nhưng dường như mãi mãi chẳng thể xóa nhòa trong kí ức...

Miên Thảo

Đọc thêm