Chơi ngông cũng cần… nội lực

Hiện tượng ca sĩ nhạc thị trường có chút chỗ đứng liền “với tay” đến các dòng nhạc cao cấp hơn: Nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xưa… đã trở thành hiện tượng không hiếm. Tuy nhiên, những người đầu tư để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc tốt không nhiều, đa phần đều cho người thưởng thức cảm giác “chạy theo trào lưu”.

Hiện tượng ca sĩ nhạc thị trường có chút chỗ đứng liền “với tay” đến các dòng nhạc cao cấp hơn: Nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xưa… không hiếm. Tuy nhiên, những người đầu tư để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc tốt không nhiều, đa phần đều cho người thưởng thức cảm giác “chạy theo trào lưu”.

Đam mê thật sự hay trào lưu?

Việc ca sĩ thay đổi hoàn toàn dòng nhạc đang theo đuổi, lựa chọn dòng nhạc mới là hiện tượng không hiếm. Cẩm Ly từ nhạc trẻ chuyển sang dòng dân ca cách đây vài năm đã đặc biệt nhận được sự yên mến của thị trường âm nhạc.

Đàm Vĩnh Hưng cũng là một điển hình cho việc “làm mới mình” với cú đột phá đưa nhạc vàng trở lại với khán giả theo một sắc thái mới, rất “Mr Đàm”. Người khen kẻ chê, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là việc thay đổi dòng nhạc đã khiến Đàm Vĩnh Hưng trở thành một trong những ca sỹ được yêu thích hàng đầu ở thị trường phía Nam, có album bán chạy hàng đầu, và cat- sê trong nước cũng như hải ngoại luôn ở top 10.

Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng
Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng

Có lẽ thành công của Đàm Vĩnh Hưng đã mở màn cho một trào lưu “tìm về dòng nhạc cũ”. Nhạc sến, nhạc vàng và những ca tình khúc vang bóng một thời từng bị quên lãng hoặc chỉ được thưởng thức bởi một tầng thính giả nay được rất nhiều ca sĩ trẻ “chế biến” lại theo cách của mình.

Từ hát, ca sĩ thi nhau ra album nhạc xưa. Quang Hà, chàng ca sĩ trẻ được nhiều khán giả “teen” yêu thích cũng cho ra đời album Cỏ úa, Lưu Việt Hùng với album nhạc Trịnh, Cẩm Ly và Đừng nói xa nhau, Lệ Quyên với Tình khúc xưa, Quách Tuấn Du với Tình hờ…

Một thời gian dài, thị trường âm nhạc TPHCM gần hư “bội thực” với sự sống dậy của nhạc xưa, nhạc sến, nhạc vàng, với sự thể hiện của đầy đủ các giọng ca từ chuyên nghiệp đến không chuyên nghiệp, từ chất lương đến… thiếu chất lượng. Các nhạc phẩm quen thuộc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng cũng xuất hiện với mật độ “dày”, dù rằng có những thể hiện khiến người nghe phải nhăn mặt vì chất lượng, chưa kể đến việc thiếu kiến thức âm nhạc khiến nhiều ca sĩ thể hiện sai cảm xúc chủ đạo, hát sai lời...

Giải thích với khán giả, hầu hết ca sỹ không ai thừa nhận mình đang “chạy theo trào lưu”, đổi mới cho hợp thị trường. Hầu hết lý do của Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Lý Hải… đều cho rằng “đây là dòng nhạc yêu thích từ khi chưa bước chân vào nghề, đã ấp ủ bao nhiêu năm, giờ mới có điều kiện để theo đuổi…”

Muốn “chơi” cũng cần… nội lực

Tuy nhiên, trong sự xô bồ của việc “quay về với giá trị âm nhạc cũ”, không thể phủ nhận một số nỗ lực nghiêm túc đáng ghi nhận của nhiều ca sĩ trẻ khi quyết định thay đổi dòng nhạc, làm mới mình. Kiểu “ngông” của Đàm Vĩnh Hưng hay chàng ca sĩ trẻ “Nam tiến” Quang Hà được đánh giá là khá “có bài có bản”.

Cho đến thời điểm hiện tại, serie Dạ khúc cho tình nhân của Đàm Vĩnh Hưng đã ra đến album thứ ba, và Hưng đã chứng tỏ cho khán giả thấy những gì mình gọi là “dự án âm nhạc” quả thật không sai về quy mô và đầu tư. Album thứ ba được mang tên Những bài ca không quên gồm 2 đĩa, mỗi đĩa 10 bài hát, đều là những nhạc phẩm được yêu thích ở thập niên 1980 như: Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), Quê hương (Giáp Văn Thạch - Đỗ Trung Quân), Phượng hồng (Vũ Hoàng), Mùa Xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng), Mặt trời bé con (Trần Tiến), Cô bé u sầu (Nguyễn Ngọc Thiện)... 

Không chỉ đầu tư chu đáo cho bìa, chất lượng đĩa, ca sĩ họ Đàm còn xuất hiện định kì mỗi tuần một tối thứ 7 trên Yan TV để giới thiệu Những tình khúc đi cùng năm tháng trong các album của mình để tiếp cận với khán giả.

Quang Hà thì “ngông không cần thu lãi” với liveshow hoàng tráng Hà Nội và tôi diễn ra tại nhà hát TPHCM với tháng 9 vừa qua, với những tình khúc bất hủ về Hà Nội như “Hà Nội và tôi”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Hà Nội ngày trờ về”.... Quang Hà chia sẻ, anh làm liveshow như một niềm tri ân với HÀ Nội đồng thời cũng thực hiện ước vọng âm nhạc mà mình đam mê, ấp ủ nhiều năm, dù đi theo con đường hoàn toàn khác.

Ca sỹ Quang Hà
Ca sỹ Quang Hà

Với “Hà Nội và tôi”, dù đôi chỗ khá “đuối”, Quang Hà đã khiến nhiều người phải “đánh giá lại” về một Quang Hà chỉ chuyên trị nhạc thị trường... Bên cạnh đó, một số ca sĩ khác cũng được đánh giá ở sự đầu tư đúng mức khi tìm về với nhạc xưa như Lệ Quyên, Quang Dũng, Đức Tuấn... Ở họ không chỉ đơn thuần lạ “hát lại”, mà còn có cả tìm tòi, khám phá và thể hiện của riêng mình, thổi vào hồn nhạc xưa những giá trị mới, trẻ trung hơn.

Có thể nói, ở thời điểm này, hầu hết ca sĩ đã bắt đầu có tên tuổi và thâm niên trong nghề dù chuyên dòng nhạc nào cũng đã “lận lưng” cho mình một vài anbum nhạc xưa, cho dù chỉ để… tự nghe, vì rất nhiều trong số ấy sau khi ra lò nhanh chóng đi vào lãng quên. Đơn giản là ở những dòng nhạc được đánh giá là “đẳng cấp” này đòi hỏi ở người hát rất nhiều yếu tố: Chất giọng, nội lực, cảm xúc, trải nghiệm…

Ở dòng nhạc này đã có quá nhiều “giọng ca theo cùng năm tháng”, và khán giả khó tính TPHCM chỉ thích và lựa chọn những giọng hát như thế, gắn bó với mình hàng bao nhiêu năm, bởi nó chứa đựng một thói quen âm nhạc, một hồn phách dòng nhạc và cả một quãng dài kí ức của họ. Để thay đổi một thói quen âm nhạc, phải là những sản phẩm âm nhạc cực kì chất lượng, nghiêm túc và có chiều sâu.

Chính vì thế, sự lựa chọn và thay đổi của nhiều ca sĩ, nếu không có nội lực và đầu tư nghiêm túc, thì những sản phẩm âm nhạc của họ chỉ là một sự “ngông” không có cơ sở, lãng phí tiền bạc và thời gian của chính mình và người nghe.

Ngọc Mai

Đọc thêm