“Chôm chỉa” tác phẩm - vấn nạn của làng nghệ thuật

(PLO) - Trong làng văn nghệ, chuyện “chôm chỉa” tác phẩm của nhau không còn quá mới mẻ. 
Bức ảnh một nhà báo chụp cơn mưa lớn ở TP HCM ngày 26/9 bị một thành viên hội nhiếp ảnh nhận là của mình.
Bức ảnh một nhà báo chụp cơn mưa lớn ở TP HCM ngày 26/9 bị một thành viên hội nhiếp ảnh nhận là của mình.

Mỗi lần một sự việc bị phát hiện lại gây nên vụ ồn ào, xấu mặt cho người đi ăn cắp, thế nhưng, chuyện này vừa lắng xuống, chuyện khác đã bùng lên, dường như ăn cắp chất xám đã trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều người làm nghệ thuật.

Nhan nhản…

Nếu không xuất hiện trong một chương trình truyền hình và được nhiều người biết đến, có lẽ bài hát “Ga buồn” của nghệ sĩ Linh Tý vẫn chưa bị phát hiện là một tác phẩm “bình mới, rượu cũ” mà anh lấy của nhạc sĩ khác. Sau khi lên truyền hình biểu diễn và nhận đó là bài hát mình tự sáng tác trong chương trình Nghệ sĩ đa tài, Linh Tý đã bị khán giả và ca sĩ từng thể hiện bài hát trước 1975 “vạch mặt”. Hóa ra, tác phẩm “Ga buồn” -  tác giả Linh Tý lại là một sáng tác ít người biết đến của một nhạc sĩ thời điểm trước 1975. Sau sự cố, mặc dù đã có lời giải thích nghe khá xuôi tai, là từ nhỏ đã nghe cha mình hát bài hát này và tưởng đó là của ông, sau đó khi ban tổ chức chương trình có yêu cầu để tên tác giả, Linh Tý đã hỏi ý kiến cha mình và được đồng ý nên mới đề tên vào nhưng cũng không “gỡ gạc” lại được sự mất niềm tin cho khán giả. Bởi không chỉ trong chương trình truyền hình phát tối 20/9, Linh Tý đã chia sẻ về lý do sáng tác bài “Ga buồn” như thật, mà thực ra, trước đó bài hát đã xuất hiện nhiều trên mạng xã hội với tên tác giả Linh Tý.

Những lời “chèo chống” này khiến người ta nhờ lại một sự việc cách đây không lâu, cũng là một tác phẩm âm nhạc sau khi lên truyền hình thì bị tác giả thật sự đòi công bằng. Đó là ca khúc “Điều em muốn nói”, được sao trẻ Mờ Naïve (Trần Hà My) giới thiệu trên chương trình “Bữa trưa vui vẻ” là ca khúc do mình sáng tác, có đăng kí bản quyền. Ngay sau đó, tác giải thực sự của bài hát với nick name Chim Sâu đã lên tiếng, cùng hàng loạt nghệ sĩ tham gia hòa âm phối khí với cô xác nhận. Sau khi bị tố, Trần Hà My không những không thừa nhận mà còn nói cứng và tung ra bằng chứng cho thấy bài hát này đã được đăng kí bản quyền tác giả với cái tên Trần Hà My. Sự việc sau đó ngã ngũ, Mờ Naïve bị phạt, vừa mang tiếng “chôm chỉa” tác phẩm, lại bị chỉ trích là “trơ trẽn” khi đem tác phẩm người khác đi đăng kí quyền tác giả, còn khăng khăng mình đúng.

Kẻ ăn cắp rồi chuồn

Mới đây nhất, giới nhiếp ảnh xôn xao về câu chuyện “chôm chỉa” ảnh lộ liễu khiến ai cũng bức xúc. Chuyện là, một “nghệ sĩ nhiếp ảnh” trẻ tên T.C., khá nổi trong giới, được một số diễn đàn, báo mạng giới thiệu như một tài năng nhiếp ảnh. Kèm theo đó là những bức ảnh anh này đã chụp, với màu sắc, ánh sáng, góc độ tuyệt đẹp khiến người yêu nhiếp ảnh phải trầm trồ. Tuy nhiên, nhanh chóng cộng đồng nhiếp ảnh đã phát hiện ra, những bức ảnh của “nhiếp ảnh gia” này đã số đều là tác phẩm của người khác, rồi cắt ghép, chỉnh sửa lại góc độ, ánh sáng. Ví dụ như, bức ảnh chụp phong cảnh sớm mai ở Đà Lạt của nhiếp ảnh gia Đinh Văn Biên bị cắt logo, xoay ngược chiều từ trái sang phải, chỉnh sáng đậm hơn rồi biến thành “Góc núi bình yên” ở Gia Lai. Tương tự, nhiều tấm ảnh hoàng hôn bị biến thành sớm mai, mùa này bị biến thành mùa khác, rồi “nhiếp ảnh gia” này thêm logo nhận diện của mình vào, đăng trên Facebook cá nhân và nhận sự khen ngợi của cộng đồng mạng, từ đó có thêm nhiều lợi lộc nhờ danh tiếng. 

Theo một nghệ sĩ nhiếp ảnh, chuyện này không hẳn cá biệt trong cộng đồng chụp ảnh. Có không ít trường hợp để tốt cho việc kinh doanh studio, nhiều “nhiếp ảnh gia” chôm chỉa hết ảnh trong, ngoài nước, cắt ghép, photo shop và ngang nhiên nhận là ảnh của mình. T.C., sau khi bị phát hiện và lên án, đã lẳng lặng khóa trang cá nhân và “biến mất” một thời gian dài. Hay như mới vừa rồi, ngay trong cơn mưa kinh hoàng chiều 26/9, một thành viên hội nhiếp ảnh đã lấy hình Sài Gòn ngập nước chụp kĩ thuật tốt do phóng viên một tờ báo đăng lên cộng đồng ảnh để nhận bao nhiêu lời khen ngợi của cộng đồng mạng. Khi bị vạch mặt, anh này còn “chày cối” nhưng không đưa ra được ảnh gốc do mình chụp. Anh này sau đó đã biến mất khỏi cộng đồng nhiếp ảnh. Nhiều người “đạo ảnh”, đạo nhạc, đạo văn… khác cũng thế, khi sự việc bị phát hiện, cách xử lý duy nhất của họ là… im lặng cho mọi việc trôi qua, rồi tiếp tục… sáng tác.

“Cãi chày cãi cối” và lẳng lặng “chuồn êm”, dường như đã trở thành hành xử quen thuộc của nhiều nghệ sĩ khi bị phát hiện ăn cắp chất xám. Hiếm có lời xin lỗi nào được tự nguyện phát ra. Hiếm có sự tự nguyện khắc phục sự cố (trừ khi chịu sự chế tài của pháp luật). Đây là điều đáng buồn trong làng văn nghệ, nó cho thấy sự vắng bóng của lòng tự trọng và văn hóa nhận lỗi ở nơi được cho là một môi trường văn hóa, thanh cao. 

Một nghệ sĩ ăn cắp tác phẩm của người khác đã là không hay ho gì nhưng ăn cắp rồi lại không biết nhận sai, không biết xin lỗi thì còn tệ hơn. Những nghệ sĩ như thế, mong gì đem đến những tác phẩm nghệ thuật nhân văn, đẹp đẽ cống hiến cho công chúng?