Triển vọng phát triển kinh tế xanh
Phát triển hydrogen đã được đề cập đến trong một số chính sách tại Việt Nam. Đơn cử, tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là “Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới”.
Mới đây, tại Tọa đàm “Triển vọng Hydrogen xanh trong nền kinh tế carbon thấp của Việt Nam” do Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức, các chuyên gia đánh giá, hydrogen xanh được xem là một nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo - sẽ góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng khẳng định hydrogen là năng lượng sạch do khi sử dụng chỉ thải ra nước. Ở Việt Nam, hydrogen hiện được sử dụng trong vai trò nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp, trong đó được sử dụng nhiều nhất trong lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép.
Hydro là nguyên tố phổ biến thứ 3 trên trái đất, nhưng không có sẵn để khai thác trực tiếp mà phải được tạo ra từ các nguồn sơ cấp ban đầu như nước hoặc các hợp chất hydrocacbon. Hydro còn là một nguồn năng lượng sạch và có thể sử dụng để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tùy vào phương pháp sản xuất, hydro có thể được phân loại thành 3 nhóm như sau: grey hydrogen (hydro xám), blue hydrogen (hydro lam) và green hydrogen (hydro xanh). Khi hydro cháy, sản phẩm phụ duy nhất là nước - đó là lý do tại sao hydro là nguồn năng lượng không carbon hấp dẫn trong nhiều thập kỷ.
Năm 2020, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu dầu khí, các nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316.000 tấn hydrogen, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm.
Đáng nói, với mục tiêu giảm phát thải của ngành năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp và các ngành khác vào năm 2050 sẽ hình thành nhu cầu tiêu thụ hydrogen xanh và tạo động lực để phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam. Hydrogen xanh dự kiến sẽ sử dụng trong các ngành công nghiệp như dầu khí, hóa chất, công nghiệp sản xuất thép và đặc biệt là giao thông vận tải.
TS. Phạm Duy Hoàng, Chuyên gia nghiên cứu tại VIETSE chia sẻ: “Việt Nam có tiềm năng phát triển hydrogen xanh từ nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Hydrogen xanh là năng lượng sạch, có thể thay thế nguồn nhiên/nguyên liệu hóa thạch đang được sử dụng trong một số ngành sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải, góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Phát triển công nghiệp hydrogen xanh trong tương lai không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế carbon thấp”.
Cần xác định mục tiêu cụ thể
Theo đánh giá của GS. David Cebon từ Đại học Cambridge (Anh): “Việt Nam có nguồn năng lượng phong phú như mặt trời, gió (trên bờ và ngoài khơi), thủy điện để sản xuất điện tái tạo. Cơ cấu nguồn phát tốt nhất của Việt Nam trong tương lai là năng lượng tái tạo chiếm vai trò chủ đạo, qua đó đạt được tự chủ năng lượng. Điều này cũng thúc đẩy chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh nhất, rẻ nhất và ít phát thải CO2 nhất. Chiến lược như vậy sẽ giúp đất nước các bạn đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế trong khi khi duy trì tốt an ninh năng lượng”.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam chưa công bố mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể về việc phát triển hydrogen xanh.
Để tận dụng tiềm năng của hydrogen xanh đến năm 2030, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như chính sách hiện hành chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ và nguồn lực về tài chính, nhân lực và công nghệ. Theo đề xuất của các chuyên gia, Việt Nam cần các chính sách đột phá, thí điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và các giải pháp khuyến khích nguồn lực phù hợp và đồng bộ nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh hoàn chỉnh cho quốc gia.