Chống buôn bán người : ưu tiên số 1

 “Năm 2010, Công an Việt Nam đã phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu được 730 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, trong đó có 7 trẻ em ở Hà Giang bị bắt cóc đem bán” là thông tin được công bố tại Hội nghị công tác điều tra tội phạm hình sự Việt Nam – Trung Quốc năm 2010 được tổ chức tại Hà Nội hôm qua (26/11).

“Năm 2010, Công an Việt Nam đã phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu được 730 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, trong đó có 7 trẻ em ở Hà Giang bị bắt cóc đem bán” là thông tin được công bố tại Hội nghị công tác điều tra tội phạm hình sự Việt Nam – Trung Quốc năm 2010 được tổ chức tại Hà Nội hôm qua (26/11).

Đa dạng tội phạm

Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an Việt Nam cho biết, năm nay, tại khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã xảy ra hơn 6.000 vụ tội phạm, vi phạm pháp luật các loại. Nổi lên là các loại tội phạm buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em. Cơ quan chức năng đã điều tra 308 vụ buôn bán người, bắt được 404 đối tượng, giải cứu được 707 nạn nhân.

Chống buôn bán người : ưu tiên số 1 ảnh 1
 

Cũng trong năm 2010 này, trên dọc tuyến biên giới xuất hiện nhiều loại tội như tội giết người, cướp, trộm cắp, bắt cóc trẻ em Việt Nam đưa sang Trung Quốc, buôn bán ma túy, đặc biệt là buôn bán vũ khí thô sơ qua biên giới về Việt Nam. Vừa qua, lực lượng chức năng Việt Nam cũng phát hiện nhiều vụ buôn bán tiền giả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Riêng tội phạm buôn bán ma túy thì xảy ra thường xuyên, tuy không lớn.

Cũng theo nhận định của Cục Cảnh sát Hình sự Việt Nam, khu vực biên giới là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để các đối tượng phạm tội hình sự của Việt Nam và Trung Quốc lẩn trốn. Trong khi đó, ở nội địa đang nổi lên hiện tượng một số đối tượng người Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam trộm cắp.

Một số đối tượng hình sự người Trung Quốc vào Việt Nam tập trung lại thành các nhóm, sử dụng công nghệ cao trộm cắp thẻ tín dụng. Những điều này đang đặt ra cho lực lượng Công an hai nước nhiều áp lực cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Đề xuất lập đường dây nóng

Tại Hội nghị, ông Bạch Thiếu Khang, Cục trưởng Cục Trinh sát Hình sự Trung Quốc và Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Việt Nam đều nhận định, sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, hai bên cũng cho rằng, do những khác biệt về ngôn ngữ, về tư pháp giữa hai nước nên việc trao đổi thông tin tội phạm hình sự giữa lực lượng Cảnh sát Việt Nam và lực lượng Cảnh sát Trung Quốc còn chậm, một số thông tin chưa đầy đủ khiến công tác truy bắt, dẫn giải đối tượng phạm tội còn gặp khó khăn.

Ông Bạch Thiếu Khang đề nghị, trong điều kiện tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm công nghệ cao liên quan đến công dân hai nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, hai bên cần tăng cường thông tin, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, thiết thực hơn nữa trong công tác điều tra tội phạm hình sự, không chỉ qua kênh truyền thống Interpol, qua công an các địa phương mà có thể mở rộng qua kênh ngoại giao.

Đồng tình với đề nghị này, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh:  “Tội phạm hoạt động không biên giới thì chúng ta cũng phải hợp tác trên tinh thần toàn diện, hiệu quả.” Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến đề nghị Cục Trinh sát hình sự Trung Quốc và Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam thành lập một đường dây nóng để trao đổi thông tin nhanh về tội phạm hình sự nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án liên quan đến công dân hai nước.

Hội nghị nhất trí cao với những đề xuất này, trong đó chọn nội dung hợp tác phòng, chống buôn bán người làm trọng điểm hợp tác giữa lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2011, đồng thời, đẩy mạnh phối hợp bắt giữ tội phạm bỏ trốn, chống tội phạm ma túy, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ… trên tuyến biên giới Việt – Trung.

Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự:

“Không đặt trường hợp ngoại lệ nào cả”

Ngày 16/11, một công dân Trung Quốc tên là Liang KunLun đã trèo tường vào nhà một hộ dân ở khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bị gia đình này đuổi ra, đối tượng đã phá phách. Một phụ nữ là hàng xóm với hộ dân này vào can thiệp đã bị đối tượng lạ mặt dùng tuýp sắt tấn công bị thương, phải nhập viện.

Ngay sau đó, đối tượng bị Công an thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đưa về trụ sở để điều tra làm rõ. Không hiểu vì lý do gì, Công an Từ Sơn, Bắc Ninh đã thả đối tượng này ra và hậu quả là tối ngày 17/11, Liang KunLun cướp một Taxi của hãng Hoa Phượng rồi gây tai nạn liên hoàn tại đường Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội khiến một cháu bé 8 tháng tuổi và nhiều người bị thương nặng, khiến dư luận vô cùng nghi ngờ động thái thả người của Công an Bắc Ninh.

Đáng nói là sau khi phản ánh sự việc, phóng viên Báo PLVN đã nhiều lần liên hệ với Công an Từ Sơn, Bắc Ninh để hỏi lý do thả đối tượng Liang KunLun nhưng không nhận được câu trả lời.

Hôm qua (26/11), trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho biết: “Vụ này đến giờ tôi chưa nắm được thông tin và cũng chưa được báo cáo cho nên cũng chưa có  ý kiến gì đối với việc xử lý của Công an Bắc Ninh. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi nếu đối tượng là người Trung Quốc mà vi phạm pháp luật trên đất Việt Nam thì phải bắt và xử lý bình thường theo quy định của pháp luật Việt Nam chứ không đặt trường hợp ngoại lệ nào cả. Thực tế chúng ta cũng đã bắt và xử lý rất nhiều công dân nước ngoài vi phạm pháp luật của Việt Nam và vẫn xử theo pháp luật của Việt Nam, trừ trường hợp có yêu cầu từ phía bạn thì chúng ta sẽ thực hiện theo Hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ để bàn giao”.

Đại tá Hồ Sỹ Tiến cũng hứa sẽ kiểm tra ngay lại thông tin về cách giải quyết đối với đối tượng Liang KunLun của Công an Từ Sơn, Bắc Ninh và sẽ thông báo lại cho Báo Pháp luật Việt Nam.

Hồng Thúy

Đọc thêm