Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật: Kỳ 1 - Quyết tâm nhất quán của Đảng

(PLVN) - Kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế - một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp.

Bởi vậy, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp mới nhằm ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Sự nguy hiểm của hành vi “tham nhũng chính sách”

Thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh và đạt được nhiều bước tiến mới. Tuy nhiên, công tác này còn không ít bất cập; trong đó, nổi lên là hệ thống pháp luật có những quy định chưa đồng bộ; tính ổn định của một số luật, pháp lệnh còn hạn chế… Ngoài những nguyên nhân khách quan, vẫn còn một số tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật. Ngăn ngừa tình trạng này nhằm kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta nỗ lực thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao.

“Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”. Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp…”.

(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Các chuyên gia cho rằng, hậu quả của “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực nào cũng đều gây tổn thất nhất định, là tiền đề “đẻ” ra tham nhũng; nhưng hậu quả của “lợi ích nhóm”, tham nhũng chính sách trong công tác xây dựng thể chế thì nguy hại khôn lường. Bởi xây dựng pháp luật chính là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững, nếu khâu này bị chi phối bởi các nhóm lợi ích “sân sau”, sẽ tác động đến kiến trúc thượng tầng, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội. Đặc biệt, nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

Khi có tác động của “nhóm lợi ích”, chính sách có thể bị “biến dạng”, tạo ra những dự án luật nhiều khiếm khuyết, khiến Quốc hội (QH), Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để sửa đổi, xây dựng các dự án luật thay thế và gây ra nhiều hệ lụy khác như: tham nhũng, thất thoát nguồn lực của đất nước; xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ...

Nói như ông Vũ Trọng Kim - Đại biểu QH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - thì, “cái cuối cùng của “lợi ích nhóm” là thất thoát, tham nhũng, là chiếm dụng của công, chiếm dụng tài sản, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp (DN) để đem lại lợi ích cho một bộ phận nào đó”.

Trên thực tế, những bất cập trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đấu thầu… đã tạo ra những “lỗ hổng” cho nhóm lợi ích tiêu cực lợi dụng. Ví dụ, tình trạng xin đất làm sân golf nhưng lại kinh doanh bất động sản, khiến nhiều “nhóm lợi ích” tiêu cực chiếm dụng đất đai một cách dễ dàng. Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện quy hoạch sân golf (năm 2011) thì trong số 90 dự án sân golf nằm trong quy hoạch, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn lại 69 dự án kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, du lịch...

Hoặc trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), không hiếm trường hợp DN đầu tư làm vài km đường, nhưng lại nhận được vài chục héc-ta đất... Lỗ hổng này xuất phát từ vấn đề pháp luật đất đai quy định chưa đầy đủ về hình thức đầu tư BT…

Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật

Một trong những đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế…”. Nhằm thể chế hoá tinh thần trên, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách mới, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế, pháp luật để thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Theo đó, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị, ban hành định hướng Chương trình xây dựng pháp luật (XDPL) nhiệm kỳ QH khoá XV đã đặt ra yêu cầu: Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, DN làm trọng tâm… Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong XDPL; chống tiêu cực ngay trong công tác XDPL, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản pháp luật.

Gần đây, Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, cũng đặt ra yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác XDPL; kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”… Trước đó, Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật…”.

Khẳng định quyết tâm của Đảng trong vấn đề này, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp…

Tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, diễn ra tháng 9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 định hướng lớn mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thực hiện đổi mới quy trình XDPL theo hướng đơn giản, kịp thời, theo kịp với diễn biến tình hình cuộc sống. Các luật, quy định không nên có phạm vi điều chỉnh quá rộng, đối tượng tác động quá lớn mà phải ngắn gọn, cụ thể. Đồng thời, phải chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.

“Kiên quyết với những dự án luật cài cắm lợi ích nhóm” cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tại các cuộc họp, người đứng đầu QH nêu rõ, chúng ta yêu cầu Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN thì bản thân công tác lập pháp của QH cũng phải liêm chính, không được để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” cài cắm vào trong quá trình xây dựng pháp luật...

“Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật… Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết, nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng hơn. Cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi làm Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, diễn ra tháng 11/2020.

“Lợi ích cục bộ” cài cắm trong các văn bản luật là một dạng tham nhũng chính sách

Cho rằng “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” cài cắm trong các văn bản chính sách, pháp luật là một dạng tham nhũng chính sách, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH nhận xét, khi tham nhũng chính sách không bị phát hiện, ngăn chặn sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội; nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật bị xâm hại; nguồn lực đất nước bị phân tán, năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm.

“Một chính sách phát triển ngành có sự lồng ghép “lợi ích cục bộ” mà được thông qua có thể làm lợi rất lớn cho một bộ phận người trong ngành đó, nhưng cũng có thể làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước và xã hội. Một quyền năng không chính đáng được cài cắm vào trong luật có thể hợp pháp hóa sự nhũng nhiễu của một số người, nhưng cũng có thể làm cho đời sống của người dân, hoạt động của DN thêm khó khăn” - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nói.

Đọc thêm