Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật: Kỳ 3 - “Cài cắm” khi xây dựng văn bản

(PLVN) -  “Nhóm lợi ích” trong xây dựng và áp dụng pháp luật thường tạo thành đường dây có tổ chức, hoạt động tinh vi, được che giấu dưới các thủ tục hợp pháp, lợi dụng danh nghĩa lợi ích tập thể, quốc gia để hưởng lợi không chính đáng.

Từ “làm màu” đến “vận động hành lang”

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn xây dựng và ban hành chính sách, nhóm lợi ích có thể “chèn” các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, mỗi câu chữ thêm hoặc bớt trong văn bản có thể sẽ là những thủ tục, “giấy phép con” trong quá trình thực thi chính sách.

Đại biểu Quốc hội (QH) Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ rõ: “Nhóm lợi ích” thường tác động vào đội ngũ những người có học thuật để điều chỉnh tầm vĩ mô của văn bản pháp luật - đó là cái lớn. Còn cái nhỏ, họ hướng vào việc đem lại lợi ích cho một bộ phận nào đó. “Các nhóm lợi ích cũng có khả năng “xuyên thủng” các văn bản pháp luật bằng những cách làm mà ở đó thiếu sự giám sát của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những đối tượng thụ hưởng các chính sách có trong pháp luật” - ông Kim nhận xét.

Vấn đề nữa được ông Kim đề cập, đó là ban soạn thảo các văn bản, chính sách pháp luật đôi khi được cơ cấu không đầy đủ thành phần, không mang tính phản biện. Họ lấy lý do muốn làm nhanh để tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho dự án nào đó, nên lấy ý kiến một cách hình thức; tức là gửi văn bản tới và mong có chữ ký của Mặt trận để báo cáo với cấp trên và người phê duyệt dự án rằng tôi đã hoàn thành quy trình, nhưng quy trình, văn bản lấy ý kiến này lại chưa chất lượng.

Cùng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của QH nhận định, việc cài cắm “lợi ích nhóm” có thể diễn ra ở các công đoạn của hoạt động xây dựng pháp luật. Ví dụ ở công đoạn soạn thảo, các bộ, ngành được giao soạn thảo pháp luật có thể “gia tăng” vào cho bộ, ngành mình được nhiều quyền, có khi cả quyền đã được pháp luật giao cho các bộ, ngành khác. Để làm được điều đó, trong quá trình đánh giá chính sách cũng như tổ chức hội thảo để xây dựng dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo thường mời những nhà khoa học, nhà phản biện “ủng hộ”, “đồng” quan điểm của họ tham dự, còn những người không đồng ý thì không được mời.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Cũng không loại trừ khả năng một số ít đại biểu QH bị “vận động hành lang” để phát biểu những nội dung mà các bộ, ngành đó chuẩn bị sẵn. “Bản thân tôi là đại biểu QH đã gặp chuyện được bộ, ngành vận động. Họ đã gửi cho tôi tài liệu theo đường Ủy ban, nhưng sau đó lại gửi tài liệu kẹp cả phong bì. Tôi đã trả lời ngay rằng: “Mình đã được phát tài liệu”. Luật đó về sau tôi phản biện thật lực vì tôi không phụ thuộc vào đồng tiền. Mình cầm đồng tiền đó của người ta rồi thì có dám nói không? Vì thế, đồng tiền có thể “xuyên thủng” sự công khai, minh bạch, liêm chính của một số cán bộ đảng viên nếu không đứng vững trước sự cám dỗ của lợi ích vật chất” - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ trải lòng.

Theo Luật sư (LS) Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, để tác động vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, các nhóm đối tượng thường có rất nhiều kiểu. Điển hình là tại các cuộc họp, họ trình bày công khai và nói theo những lợi ích được suy diễn chung chung, cho rằng đó là vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. “Tôi được dự nhiều hội thảo về xây dựng pháp luật thì nhận thấy, khi phát biểu, ai cũng đều dưới danh nghĩa là lợi ích chung, không ai nói tôi là “lợi ích nhóm”. Nhưng trong nhiều vụ việc, thường thì người ta “làm màu”, “làm phép” để dưới danh nghĩa lợi ích chung, còn thực chất, “đọc vị” ra là lợi ích nhóm” - LS Huỳnh cho biết.

Móc ngoặc, bè cánh, lạm dụng chức quyền

Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội diễn ra ngày 15/10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải quan tâm nhiều hơn tới việc kiểm soát quyền lực ở cấp dưới. Bởi, có quyền trong tay nhưng thiếu sự giám sát sẽ dẫn đến tự tung, tự tác, thậm chí bè cánh, móc ngoặc với nhau trở thành “lợi ích nhóm” là vô cùng nguy hiểm. Tổng Bí thư dẫn ví dụ, vừa qua vụ xử lý ở Hải Dương không phải một người, mà móc ngoặc với nhau, từ Bí thư Tỉnh ủy đến cán bộ các cấp và cả cán bộ Trung ương.

Trước đó, ngày 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cơ quan điều tra xác định ông Thăng và ông Cường đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Liên quan đến vụ án này, tính đến đầu tháng 10/2022, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam gần 100 người để làm rõ nhiều tội danh khác nhau. Trong đó, nhiều người từng là quan chức cấp cao như ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)…

Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc Công ty Việt Á có những biểu hiện rõ ràng của “lợi ích nhóm”; điển hình về tham nhũng, tiêu cực có hệ thống, tổ chức. Bởi từ khi còn là đề tài khoa học quốc gia về kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y đề xuất, đến khi được cấp kinh phí triển khai và đấu thầu đưa vào sử dụng đều diễn ra rất nhanh chóng. Nhưng đằng sau lý do phải khẩn trương để phục vụ công tác chống dịch, kết quả điều tra đến nay cho thấy hàng loạt cán bộ đã “nhúng chàm”. Họ gấp gáp cơ bản không phải vì lợi ích chung mà phần lớn đều trục lợi cá nhân.

Bên cạnh đó, các vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị khởi tố và xét xử gần đây cũng đặt ra những nghi vấn về sự cấu kết, bắt tay giữa các doanh nghiệp tư nhân và các quan chức có thẩm quyền, khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình là vụ án liên quan đến sai phạm trong hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng lấy đất vàng Nhà nước tại số 185 Hai Bà Trưng (TP Hồ Chí Minh), khiến Nhà nước mất tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại hơn 186 tỷ đồng. Ngày 7/10 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã xử phúc thẩm, tuyên bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh 5 năm tù…

Trước đó, đầu tháng 12/2021, Tòa án này cũng đã tuyên phúc thẩm vụ án sai phạm trong việc giao “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn (quận 1); tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù với bị cáo Nguyễn Thành Tài về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”...

(còn nữa)

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

“Bản thân tôi còn vậy, không biết những người dân khác sẽ thế nào?”

Trong việc hướng dẫn thực thi pháp luật, một số cán bộ còn cố tình đưa ra lý do không phù hợp để người dân, tổ chức “không biết đâu mà lần”, nhằm gây khó khăn, phiền hà, buộc họ phải chạy chọt, đưa “phí bôi trơn” và những vấn đề dịch vụ khác… Văn bản thì đúng rồi, nhưng “anh” là người có trách nhiệm đưa pháp luật vào thực tế lại cố tình không hướng dẫn đầy đủ. Bởi vậy, “lợi ích nhóm” không chỉ có trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, mà còn tồn tại trong khâu thực hiện văn bản pháp luật, mà nhóm này làm rất thống nhất từ trưởng phòng cho tới nhân viên, nhằm gây phiền phức cho dân để trục lợi.

Ông Vũ Trọng Kim

Tôi đã từng đi làm sổ đỏ, nhưng 7 - 8 tháng trời không làm xong; họ nói lý do mình không thể chấp nhận được, tức là không hướng dẫn đầy đủ, gây khó khăn cho công dân. Hay như việc tôi bị mất Giấy phép lái xe, chỉ cần thủ tục đơn giản là sao chép lại từ máy tính, nhưng hẹn năm lần bảy lượt vẫn chưa được. Tôi thử chờ đợi một thời gian dài xem họ đưa ra những lý do gì, nhưng toàn là những lý do thiếu thuyết phục. Bản thân tôi còn vậy, không biết với những người dân khác sẽ như thế nào. Cuối cùng, tôi buộc phải nói rằng: “Nếu không giải quyết, ngày mai tôi sẽ có đơn gửi thủ trưởng cấp trên trực tiếp, vụ việc của các anh sẽ được kiểm tra. Các anh có đồng ý không?”. Lúc đó, việc của tôi mới được thông suốt. Họ rất sợ cấp trên về kiểm tra, vì khi kiểm tra sẽ không chỉ ra sai phạm này mà còn ra các sai phạm tùm lum khác nữa.

Đọc thêm