Chống tham nhũng phải bắt đầu từ chống tiêu cực

(PLVN) - Hành vi tham nhũng thường xuất phát từ những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Do đó, nếu chống được những biểu hiện tiêu cực này sẽ giúp công tác phòng chống tham nhũng đi vào chiều sâu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vấn đề trên đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đặt ra tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo hồi tháng 3 năm nay. Theo Tổng Bí thư, cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Và ngày 5/8 vừa qua, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo đã xem xét, thống nhất với nội dung Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Theo đó, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ phòng chống tiêu cực. Trong đó xác định rõ nội hàm của công tác chỉ đạo phòng, chống tiêu cực là xử lý các suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Cho ý kiến về dự thảo Đề án, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí cho rằng, Ban Chỉ đạo không chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN) mà bao gồm cả chống tiêu cực. Tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tín của Đảng. Tiền bạc mất có thể thu hồi lại, nhưng cán bộ mất phẩm chất chính trị thì có thể phản bội Đảng, phản bội nhân dân, điều này là vô cùng nguy hiểm.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tham nhũng với các biểu hiện suy thoái về đạo đức cũng như nhũng nhiễu trong cuộc sống có quan hệ mật thiết với nhau. Hành vi tham nhũng bước đầu cũng từ những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tư tưởng rồi sau đó dẫn đến tham nhũng. Do đó, nếu chống được những biểu hiện tiêu cực này sẽ góp phần vào việc phòng chống tham nhũng thành công.

Theo ông Đường, việc bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là một việc làm rất phù hợp mà lâu nay Ban Chỉ đạo cũng đã làm. Khi mở rộng thêm nhiệm vụ, quyền hạn thì trách nhiệm của Ban Chỉ đạo càng nặng nề hơn, đòi hỏi sự chỉ đạo phải sát sao, nhanh nhạy, kịp thời hơn. “Chống tiêu cực thường khó hơn đấu tranh chống tham nhũng, vì tham nhũng là vi phạm pháp luật, nó biểu hiện ở chỗ mất mát, hư hao tài sản của nhà nước, có thể qua công tác điều tra sẽ thấy rõ ràng hơn. Còn những biểu hiện của tiêu cực rất tinh vi, đa dạng dưới nhiều hình thức, vì vậy Ban Chỉ đạo phải rất sát sao, chỉ đạo việc khắc phục, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, đề ra những biện pháp xử lý phù hợp để từ đó tiếp tục chỉ đạo và làm bài học cho các Ban chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương thực hiện.”- GS Đường kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, muốn chống được tham nhũng thì trước hết phải làm tốt việc phòng chống tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Việc làm này cũng phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Ông Nhưỡng cho rằng, tham nhũng được sinh ra từ tiêu cực, hay nói cách khác, tiêu cực là nguồn gốc đẻ ra tham nhũng. Có những tiêu cực làm nảy sinh rất nhiều vấn đề lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, và trong số các hành vi tiêu cực thì có hành vi tham nhũng. “Nếu chúng ta đánh tham nhũng thì mới chỉ làm ở giai đoạn sau và đánh phần ngọn, còn đánh tiêu cực là đánh cả phần gốc”- ông Nhưỡng nói.

Tiêu cực có thể chưa phát sinh vấn đề về tài sản, khi có hành vi chiếm đoạt tài sản, lúc đó mới gây hậu quả, cho nên nếu chúng ta xem xét, xử lý về mặt cán bộ mà chỉ chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì chưa toàn diện. Vì vậy, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng, đó là chỉnh đốn Đảng từ khâu chính trị, đạo đức, tư tưởng và hành động; như thế công tác lãnh đạo mới có chiều sâu và thực sự có tính toàn diện.

Đọc thêm