Chủ cũ 'nán lại' 26 năm, mẹ - con truyền đời vụ kiện đòi nhà

(PLO) -“Mẹ tôi vì có lòng tốt, sau khi mua nhà xong lại cho con gái của chủ nhà ở tạm để cô này có thời gian sắp xếp chuyển đi nơi khác. Nào ngờ cô ta chiếm ở luôn mấy chục năm ròng, đuổi mãi không chịu đi.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Phiên tòa dân sự “đòi lại nhà cho ở nhờ” diễn ra trên tầng 2 TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào một sáng cuối tháng 5 gay gắt nắng. Nguyên đơn trong vụ án là bà Lê Thị Minh (55 tuổi). Bị đơn là bà Dương Phương (48 tuổi, đều ngụ phường Tây Lộc, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). 

Lúc chết vẫn ấm ức

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, vào năm 1990, mẹ bà có mua một căn nhà của cha mẹ bị đơn, nằm trên đường Thái Phiên (thuộc phường Tây Lộc). Nguồn gốc đất ở của ngôi nhà này vốn là của ông bà nội bà Phương. Vào năm 1968, ông nội bà Phương nhường quyền sở hữu lại cho con trai, chính là cha của bà Phương.

Sau khi cha mẹ của bị đơn và nguyên đơn thực hiện giao dịch mua bán ngôi nhà trên, giấy thỏa thuận mua bán được UBND phường Tây Lộc xác nhận, ký vào ngày 27/8/1990, hơn một tháng sau được phường lập biên bản, xác định ranh giới và đến cuối năm đó được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận hiện trạng sử dụng đất. Tất cả các giấy tờ trên đều đứng tên mẹ bà Minh.

Sau khi thỏa thuận và làm giấy tờ mua bán nhà xong, cha mẹ bị đơn dọn ra khỏi nhà, sau đó sang định cư tại Hoa Kỳ. Bà Phương lúc đó đã có gia đình, nhưng chưa có nhà ở. Thấy bị đơn khó khăn, lại nghe người này xin được ở nhờ một thời gian để sắp xếp rồi chuyển đi sau, mẹ bà Minh liền động lòng. 

Con gái người đã khuất cho rằng: “Mẹ tôi đâu ngờ lòng tốt của mình lại bị người khác lợi dụng một cách trắng trợn. Từ một người ở đậu, bà Phương xoay sở, chiếm dụng luôn căn nhà không trả, khiến mẹ tôi suốt mấy chục năm ròng phải loay hoay chạy đi chạy lại tìm mọi cách đòi nhà”. 

Nguyên đơn kể, sau khi bà Phương ở được một thời gian, mẹ bà đặt vấn đề yêu cầu bà Phương chuyển đi để trả lại nhà. Bị đơn lấy lý do đang khó khăn, muốn chủ nhà giúp đỡ một số tre nứa làm nhà. Bà Phương bị cho là đã hứa, khi nào nhà làm xong sẽ chuyển đi ngay, trả lại nhà cho chủ. Không muốn “cù cưa”, kéo dài thêm thời gian bị chiếm nhà, mẹ bà Minh liền tổ chức cuộc họp khẩn trong gia đình. Mọi người thống nhất đồng ý cho phép bà Phương chặt tre trong vườn để có điều kiện làm nhà mới.

“Tuy nhiên, mẹ tôi thêm một lần nữa lại nhẹ dạ cả tin. Bà Phương chặt tre chở đi một thời gian, cứ dăm bữa mẹ tôi lại sang hỏi người ở ké khi nào thì làm nhà xong, chuyển đi để trả lại nhà. Bà Phương tiếp tục hứa lần và vẫn cố tình ở lì không đi”, nguyên đơn kể.

Năm 1995, mẹ bà Minh quyết định làm đơn khởi kiện đòi lại nhà cho ở nhờ gửi lên TAND tỉnh. Tuy nhiên hai năm sau, vụ án tạm đình chỉ chờ hướng giải quyết. “Gia đình bà Phương được đà, cứ thế ở lì không đi”, nguyên đơn tố cáo.

Đã không trả nhà, bà Phương bị cho là còn cố ý xây dựng thêm mà không cần hỏi ý kiến của chủ nhà. Mẹ bà Minh bức xúc, yêu cầu bà Phương không được xây dựng trái phép, nhưng bà này bị tố cáo làm ngơ, cứ xây liều. 

Chủ nhà lại lặn lội tìm đến UBND phường Tây Lộc và đội quản lý đô thị gửi đơn tố cáo về việc bà Phương xây dựng trái phép trên nhà ở của người khác. Ngày 9/10/2002, đội quy tắc đô thị Huế cùng UBND phường Tây Lộc đã lập biên bản xử phạt hành chính và đình chỉ việc xây dựng trái phép. Tuy nhiên, bà Phương vẫn xây tiếp, lên lầu hẳn hoi.

Năm 2006, nguyên đơn tiếp tục gửi đơn khởi kiện đòi lại nhà. Vụ án sau đó thêm một lần nữa bị tạm đình chỉ, vì chủ nhà lúc này bị bệnh nặng, phải điều trị. “Năm 2010, mẹ tôi mất. Hai mươi năm chạy tới chạy lui đòi nhà, nhà chưa đòi được thì bà đã về với đất. Cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn còn canh cánh bên lòng, bởi nỗi niềm chưa thực hiện được”, bà Minh tâm sự.

Hai đời đi đòi nhà

Mẹ mất, bà Minh cùng các chị em trong nhà là người thừa kế theo pháp luật, tiếp tục hành trình đòi nhà. Đời mẹ bỏ tiền mua, nhà còn chưa đòi được, đời con tiếp tục đi đòi, người chiếm nhà cũng chỉ trơ mắt nhìn.

Năm 2013, bà Minh thay mặt các đồng thừa kế khác, đại diện đứng đơn chính thức khởi kiện, đòi lại căn nhà mà mẹ mình cho bà Phương ở nhờ.

Sau nhiều lần tạm hoãn, ngày 26/5/2016 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ đòi lại nhà cho ở nhờ. Bà Minh cho biết, cuối cùng hai bên đã thỏa thuận được với nhau. Bà Phương chấp nhận trả lại nhà, nhưng đồng ý chi trả bằng tiền. 

“Căn nhà đó giá ngoài thị trường hơn tỷ bạc, nhưng định giá theo bảng giá nhà nước chỉ được gần nửa tỷ. Họ cò kè bớt tới bớt lui, rồi xin chỉ trả 380 triệu đồng. Gia đình tui cũng đã quá mệt mỏi vì phải suốt tháng suốt năm bỏ công bỏ sức đi đòi nhà, nên cũng đồng ý cho xong chuyện. Thôi thì xem như cũng lấy lại một phần, cho đỡ ấm ức”, bà Minh chia sẻ.

Trước khi HĐXX bắt đầu làm việc, bị đơn tiếp tục kể khổ, bảo gia đình không có tiền mặt để trả lại nguyên đơn. Bà này xin nguyên đơn cho mượn các giấy tờ liên quan đến căn nhà, để mình đi làm “sổ đỏ”, sau đó “cắm” ngân hàng lấy tiền trả nguyên đơn. 

Nguyên đơn cười mà miệng méo xệch: “Ở đời sao lại có người chỉ nghĩ đến chuyện lợi cho riêng mình? Chẳng lẽ thiên hạ đều dại hết để mỗi mình khôn?”. Bà Minh nghi hoặc: “Nhà của người khác, mà bà Phương còn ở lì để chiếm. Nếu làm được sổ đỏ rồi, bà ấy đời nào chịu trả lại tiền?”. 

Hỏi bà Phương: “Nếu sự thật đúng như lời nguyên đơn kể, người ta đối xử tốt với mình, sao mình ăn ở tệ? Người ta cho ở nhờ, sao lại chiếm luôn nhà không trả?”.

Bị đơn bảo không hề biết đến chuyện cha mẹ bán nhà. “Căn nhà đó tui ở từ khi mình còn bé cho đến giờ tóc đã nhuốm bạc. Ba mẹ tui sau này ở bên Mỹ. Chẳng nghe họ nói gì về việc đã bán nhà”. Bị đơn còn cho rằng: “Thời bây giờ, có tiền, thì giấy tờ gì mà chẳng làm được?”. 

Nói như vậy, phải chăng bà có ý tố cáo giấy tờ nêu trên là giả, sao không đề nghị giám định các giấy tờ liên quan đến việc mua bán. Bị đơn ngó lơ, không trả lời câu hỏi này, môi nhếch lên khó hiểu. 

Một hồi sau, bị đơn cho rằng vì mình “đã lớn tuổi, không muốn sau khi qua đời hai con tiếp tục cuộc chiến tranh chấp nhà cửa, nên quyết định đồng ý thỏa thuận với nguyên đơn”. 

Do trước khi diễn ra phiên tòa, các đương sự đã thỏa thuận được với nhau, nên HĐXX quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự.

Theo đó, bà Phương thống  nhất trả lại căn nhà nói trên cho bà Minh là người đại diện cho các anh chị em trong gia đình, nhưng được trả lại bằng tiền là 380 triệu đồng. Kể từ khi bản án có hiệu lực, bà Phương có trách nhiệm thanh toán số tiền trên cho bà Minh. Bà Minh có trách nhiệm chuyển toàn bộ giấy tờ nhà đất liên quan đến căn nhà nói trên cho bà Minh, để thuận lợi cho việc xin cấp sổ đỏ mới. 

Tòa tan, nhiều người dự khán xúm lại quanh nguyên đơn, khuyên nhủ, bảo nhất định không được cho mượn giấy tờ để bị đơn đi làm sổ đỏ. “Nếu vậy, chắc cả đời này, bà cứ chạy theo bị đơn để kiện mãi”, một người đưa ra ý kiến.

Đọc thêm