Tại buổi làm việc, Cục PBGDPL & TGPL kiến nghị, đề xuất trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng về mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, triển khai nhiều chính sách đột phá, vượt trội theo 04 Nghị quyết mới của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57, 59, 66, 68) và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dự kiến số lượng dự án, dự thảo VBQPPL sẽ được xây dựng, sửa đổi, bổ sung là rất lớn.
Để công tác truyền thông chính sách, dự thảo VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP được triển khai hiệu quả, thực chất, bài bản, đáp ứng yêu cầu từ sớm, từ xa, Cục PBGDPL & TGPL đề xuất triển khai công tác truyền thông chính sách, dự thảo VBQPPL của Bộ theo hai phương án.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Phương án thứ nhất tập trung tại một đầu mối. Theo đó, Cục PBGDPL & TGPL là đầu mối tổ chức truyền thông tất cả chính sách, dự thảo VBQPPL do Bộ chủ trì và các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
Với phương án này, Cục PBGDPL & TGPL sẽ tham mưu lãnh Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch chung về truyền thông chính sách, dự thảo VBQPPL của Bộ Tư pháp (có thể là Kế hoạch truyền thông hằng năm gắn với triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hộim chương trình công tác của Chính phủ).
![]() |
Cục trưởng Cục PBGDPL & TGPL phát biểu tại buổi làm việc. |
Về phương án 2, công tác truyền thông chính sách, dự thảo VBQPPL do các đơn vị thực hiện gắn với trách nhiệm, lĩnh vực quản lý. Cục PBGDPL & TGPL chỉ là đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 672 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục. Lãnh đạo Bộ giao một đơn vị xây dựng pháp luật tổ chức truyền thông các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
![]() |
Bà Vũ Hồng Thuý, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN phát biểu tại buổi làm việc. |
Với phương án này, các đơn vị chủ trì xây dựng VBQPPL có trách nhiệm ban hành Kế hoạch truyền thông đối với chính sách, dự thảo được phân công chủ trì soạn thảo; chủ động lập dự toán kinh phí truyền thông trong dự toán kinh phí xây dựng pháp luật để Cục Kế hoạch – Tài chính tham mưu bố trí; thông tin tình hình, kết quả, khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong triển khai công tác truyền thông chính sách để Cục PBGDPL & TGPL tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
![]() |
Ông Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề xuất rằng ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo, cơ quan chủ trì cần lập và chia sẻ kế hoạch truyền thông với tất cả đơn vị liên quan, nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia sâu sát vào từng hoạt động và nắm bắt đầy đủ chủ trương, chính sách.
Song song đó, có ý kiến cho rằng khi một đơn vị đã được giao chủ trì xây dựng chính sách, chính đơn vị ấy cũng nên trực tiếp phụ trách truyền thông. Việc “một đầu mối – một thông điệp” sẽ giúp nội dung được truyền tải kịp thời, nhất quán, bám sát thực tiễn và lan tỏa mạnh mẽ hơn tới người dân, qua đó hình thành làn sóng nhận thức tích cực trong xã hội.
![]() |
Kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi của truyền thông chính sách là giúp xã hội và người dân hiểu, ủng hộ và tuân thủ pháp luật, Thứ trưởng yêu cầu trong giai đoạn xây dựng văn bản phải lý giải rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung; khi ban hành và triển khai thực hiện phải liên tục theo dõi, đánh giá tính khả thi, kịp thời phản ánh bất cập. Nội dung truyền thông chính sách phải được biên tập súc tích, dễ hiểu, tránh sao chép nguyên văn điều khoản pháp lý, qua đó tạo đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.
Về phân công trách nhiệm, Thứ trưởng khẳng định, đơn vị nào chủ trì xây dựng chính sách thì phải chịu trách nhiệm chính trong truyền thông chính sách đó; các đơn vị liên quan có nghĩa vụ phối hợp. Trường hợp Bộ, ngành Tư pháp cần đẩy mạnh truyền thông chính sách nhưng chưa xác định được đầu mối, Cục PBGDPL & TGPL chủ động tham mưu, đề xuất giao một đơn vị đầu mối, chủ trì và điều phối các đơn vị liên quan.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc kết luận buổi làm việc. |
Để bảo đảm tính bài bản, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các đơn vị xây dựng pháp luật vào quý IV hàng năm, phải xây dựng kế PBGDPL & TGPL để tổng hợp thành Kế hoạch truyền thông chung của Bộ, ngành Tư pháp và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Đồng thời phối hợp Cục Kế hoạch – Tài chính rà soát, cho ý kiến kinh phí đối với từng đơn vị.
Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Dân chủ & Pháp luật là hai đơn vị truyền thông của Bộ, phải chủ động phối hợp các đơn vị chuyên môn, bảo đảm nội dung chính sách được truyền thông kịp thời, chính xác; song song với đó, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác những nội dung cần truyền thông chính sách để báo chí khai thác hiệu quả.