Chủ động phòng tránh bệnh giao mùa xuân hè

(PLVN) -  Miền Bắc đang trải qua thời điểm cuối xuân sang hè, nắng ấm nhưng thỉnh thoảng trở lạnh đột ngột. Thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại  vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển.
Cúm và các bệnh về hô hấp. (Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn)

Nhiều loại bệnh thường gặp

Thời điểm xuân sang hè về, nền nhiệt độ thay đổi liên tục trong ngày, kèm với mưa gió thất thường, không khí ô nhiễm nên thường gặp và phổ biến nhất chính là bệnh cúm mùa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa là loại bệnh do vi rút cấp tính gây ra và rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút, qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng…

Viêm kết mạc hay còn được gọi là viêm kết mạc mùa xuân là một dạng bệnh dị ứng thường xảy ra vào mùa xuân, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là phấn hoa nở nhiều vào mùa xuân dị ứng với mắt. Đây là một hình thái lâm sàng của viêm kết mạc dị ứng. Bệnh này có thể gặp ở mọi đối tượng, kể cả người lớn, trẻ nhỏ và thường xảy ra trên người có cơ địa dị ứng kèm theo các loại bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da dị ứng... Viêm kết mạc mùa xuân cũng có liên quan mật thiết với sự thay đổi thời tiết lúc giao mùa (nhất là xuân hè), ánh nắng, thay đổi nội tiết và yếu tố di truyền. Do vậy, vào thời điểm giao mùa xuân hè, bệnh có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ.

Giao mùa cũng là lúc thời tiết nóng lên đột ngột, nhiệt độ cao thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm nên thức ăn rất chóng hư hỏng. Tuy nhiên, vì mới giao mùa thông thường người dân chưa chú ý đến việc bảo quản thức ăn nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống. Một trong những bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy. Theo WHO, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Chi phí điều trị cho số lượng bệnh nhân này lên đến 2.000 tỉ đồng/năm. Tình trạng bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân như thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm, sống trong vùng bị bệnh tiêu chảy cấp,…

Chủ động phòng tránh

Thời tiết giao mùa cùng với chỉ số chất lượng không khí nhiều ngày liên tiếp chạm ngưỡng xấu gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt là nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính… khiến tỷ lệ người dân nhập viện tăng nhanh.

Để chủ động phòng bệnh cúm mùa và các bệnh về đường hô hấp nói chung, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Dự phòng hiệu quả nhất bằng cách tiêm vaccine cúm mùa. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.

Cũng theo ngành Y tế, đối với bệnh viêm kết mạc mùa xuân, người bệnh không thể tránh hoàn toàn được nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế việc làm bùng phát bệnh bằng các lưu ý sau: Nếu có cơ địa dị ứng cần hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên có thể gây dị ứng (bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…); vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không đưa tay bẩn dụi lên mắt; vệ sinh nhà cửa, vị trí làm việc sạch sẽ để hạn chế bụi, không cắm, trồng quá nhiều hoa trong nhà, nhất là trong thời gian đang xảy ra dị ứng thì nên cách ly với phấn hoa; nên đeo kính khi đi đường để hạn chế bụi bay vào mắt.

Để phòng bệnh tiêu chảy cấp, cần chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách, thực phẩm sống bọc kín trong túi nilon hoặc hộp nhựa để ngăn đá, thực phẩm chín và rau củ quả bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh. Chế biến thức ăn đảm bảo đúng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ ăn, thức uống cần được che đậy cẩn thận để tránh ruồi nhặng đậu vào…

Ngoài ra, dụng cụ chế biến thức ăn, thức uống cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ, tráng nước sôi trước và sau mỗi lần sử dụng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đảm bảo không gian sống trong lành, thoáng mát và sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân.

Mặt khác, để phòng các bệnh trong thời điểm giao mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền mãn tính phải giữ ấm cơ thể, hạn chế ra khỏi nhà trong những ngày không khí ô nhiễm. Những ngày không khí ô nhiễm, người dân cần trang bị khẩu trang, mũ nón, kính mắt đầy đủ khi ra đường để bảo vệ sức khỏe; giữ vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Người già, trẻ nhỏ, người có bệnh bệnh mạn tính nên hạn chế tối đa ra ngoài. Nếu không may xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sổ mũi, khó thở… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế nơi gần nhất để thăm khám và điều trị.

Đọc thêm