Theo Ủy ban Olympic Việt Nam, dù gặp nhiều khó khăn bởi COVID-19, về tài chính nhưng đến lúc này chủ nhà Việt Nam vẫn giữ nguyên số môn và nội dung thi đấu của SEA Games 31 chứ không cắt giảm. Ban tổ chức đặt ra mục tiêu, chậm nhất đến tháng 4/2022, mọi công tác chuẩn bị, nhất là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng với tâm điểm là các địa điểm thi đấu sẽ phải hoàn tất, đưa vào vận hành thử, sẵn sàng phục vụ Đại hội.
Liên quan đến kinh phí tổ chức SEA Games 31, Quốc hội đã thông qua phương án cấp 750 tỷ đồng tổ chức SEA Games 31. Kinh phí tổ chức SEA Games 31 được Quốc hội và Chính phủ thông qua thấp hơn khá nhiều so với đề xuất trên 1.000 tỷ đồng trước đó của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Dù vậy, trong điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế, Ban tổ chức SEA Games 31 cho biết sẽ nỗ lực hết sức để tổ chức thành công SEA Games 31 với số kinh phí được cấp. Hiện đã có gần 300 tỷ đồng được tạm ứng để chuẩn bị cho Đại hội.
Liên quan đến phương án phòng, chống COVID-19 tại SEA Games 31, Ban tổ chức đại hội cho biết 100% thành viên tham dự SEA Games 31 phải tiêm đủ liều vaccine COVID-19. Tất cả các đoàn thể thao đều được bố trí ăn ở, tập luyện, thi đấu theo quy trình “bong bóng khép kín” để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.
Về phương án khán giả vào sân theo dõi SEA Games 31, Ban tổ chức xây dựng 3 phương án khán giả, đó là: đón khán giả hạn chế, đón khán giả rất hạn chế và không có khán giả nếu tình hình COVID-19 phức tạp hơn hiện nay.
Ban tổ chức SEA Games 31 đã tham khảo cách làm của các đại hội thể thao quốc tế tổ chức trong thời gian gần đây để lên các phương án khán giả, nhưng các phương án vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 nên đến lúc này chưa ai có thể khẳng định được việc cho khán giả vào sân với số lượng thế nào.