Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu 4 bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

(PLVN) - Sáng 17/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu 4 bài học sâu sắc nhằm tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính khi chủ trì buổi họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2020.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết: Năm 2020 đã diễn ra với nhiều khó khăn và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Khi nhiều quốc gia công bố tăng trưởng kinh tế âm cùng với số ca nhiễm, ca tử vong rất cao thì Chính phủ Việt Nam lạc quan với vị trí thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới - ở mức tăng trưởng GDP 2,91%. Trong năm qua, nước ta đã thực hiện được mục tiêu kép mà Thủ tướng đặt ra – vừa chống dịch như chống giặc vừa duy trì, phục hồi nền kinh tế.

Họp báo công bố APCI 2020.
Họp báo công bố APCI 2020. 

Để có được những kết quả tích cực ngày hôm nay không thể không nói đến quyết tâm, hành động cải cách, đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ, thể hiện trong suốt nhiệm kỳ 2016 – 2021, bắt nguồn từ thông điệp về Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng. Một trong những nội dung của Chính phủ kiến tạo là kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không dừng ở mức độ các nước nhóm ASEAN mà phấn đấu vượt lên, đạt tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam từ vị trí 90/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 đã vị trí lên 70 vào năm 2020; Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 dù không được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng vì đại dịch Covid-19 nhưng nước ta đã được ghi nhận tăng 10 bậc, ở vị trí 77/140 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2018 lên vị trí 67 năm 2019. 

“Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo đã và đang làm được thông qua việc chủ động thiết kế hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận, về khách quan thì dư địa cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, đòi hỏi phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết, khách quan về tình hình DN để tiếp tục cải thiện mọi việc tốt hơn.

"Người dân, DN vẫn phải chịu chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức, mất nhiều thời gian thực hiện TTHC" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu.

Với phương thức đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn, dựa trên kết quả phân tích và phiếu khảo sát DN tại 63 địa phương, Chỉ số APCI 2020 cho thấy bức tranh trung thực, sinh động về chi phí thực tế mà DN phải chi trả khi thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện TTHC, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách. 

“Kết quả APCI có sự gắn kết, bổ trợ rất cụ thể, sâu sắc do việc nghiên cứu, tìm hiểu các đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương định tốt hơn các mục tiêu về cải cách”, Bộ trưởng Dũng nhận xét và cho rằng kết quả APCI ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của Chính phủ kiến tạo để làm cơ sở cho những chỉ đạo điều hành liên quan đến DN trong thời gian tới.

Bộ trưởng thẳng thắn nêu 4 bài học sâu sắc để tiếp tục thúc đẩy cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN. Một là, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. 

Hai là, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Ba là, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.

Bốn là, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

APCI xoay quanh việc phân tích quá trình DN trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC gồm: Đầu tư, Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự DN/Đăng ký kinh doanh; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và Kiểm tra chuyên ngành. 

Báo cáo công bố Chỉ số APCI 2020 cho thấy điểm APCI 2020 cao nhất thuộc về lĩnh vực Thuế với điểm số 94,7. Tiếp sau là Đầu tư (76,5 điểm), Xây dựng (74,7 điểm), Đất đai (73,3 điểm)… Xếp cuối cùng là Khởi sự DN với điểm số chỉ đạt 68,6 điểm.

Đọc thêm