Chủ nuôi thiếu ý thức, người dân mong nhân rộng mô hình đội chuyên trách bắt chó thả rông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng như một số đô thị khác đã xảy ra trường hợp nhiều người nuôi chó thiếu ý thức, để chó chạy rông phóng uế bừa bãi hoặc không rọ mõm..., làm ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung, khiến nhiều người bức xúc.
Hoạt động của đội chuyên trách bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại của phường Hiệp Bình Chánh.
Hoạt động của đội chuyên trách bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại của phường Hiệp Bình Chánh.

Mất tình nghĩa vì nuôi chó thiếu ý thức

Tình trạng nuôi chó thả rông, để mặc vật nuôi “muốn làm gì thì làm” xảy ra khá nhiều tại các địa điểm công cộng trên địa bàn TP HCM và nhiều đô thị khác trên cả nước. Từ việc nuôi chó thiếu ý thức trên đã dẫn đến nhiều hệ lụy, gây bức xúc cho người dân. Trong đó, có việc để chó phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường là điều dễ thấy nhất và cũng là nguyên nhân gây nên nhiều vụ xích mích, mất tình làng nghĩa xóm.

Cách đây ít lâu, TAND quận 4 đã thụ lý một vụ án, mà mâu thuẫn cũng chỉ xuất phát từ vì việc nuôi chó để phóng uế trước nhà. Sau khi cãi nhau, gây gổ, hai nhà hàng xóm đã lao vào đả thương nhau bằng hung khí. Kết quả là người bị chấn thương sọ não, thương tật đến 39%, người thì lĩnh án 3 năm tù (hưởng án treo) vì tội cố ý gây thương tích. Cũng tại TP HCM, trước đó đã xảy ra vụ án giết người gây xôn xao dư luận, mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc chó nhà này phóng uế trước cửa nhà kia.

Không chỉ có việc chó gây mất vệ sinh chung, việc nuôi chó thả rông mà không xích, không rọ mõm còn gây ra những nguy cơ lớn hơn, khi chẳng may chúng tấn công người đi đường hay các em nhỏ ở khu vực chung quanh. Đã xảy ra nhiều vụ việc chó đi rông, đặc biệt là chó dữ không rọ mõm, tấn công gây thương tích nặng nề, thậm chí gây tử vong cho người đi đường hay người thân, bạn bè, hàng xóm, người nhà... của chính gia chủ.

Bà NT.H. (khu phố 7, phường Linh Đông, TP Thủ Đức) bức xúc: “Từ đầu đường vào đến bên trong có vài chục căn nhà, mà đã có đến 5 - 6 nhà nuôi chó. Cứ chiều chiều, chó được thả rông đi khắp xóm, phóng uế khắp lối đi. Nguy hiểm hơn là lũ chó thường xuyên đuổi, dọa trẻ con dạo chơi trong xóm. Cháu tôi vài lần ra chơi, bị chó đuổi suýt nữa thị bị cắn, sau đó chỉ dám ở trong nhà không dám ra đường chơi nữa. Như vậy rất nguy hiểm và thiệt thòi cho bọn trẻ. Người lớn thì vô ý thức, nói mãi cũng không thay đổi”.

Bà H. cho rằng, quy định xử lý đã có, đề nghị những trường hợp nuôi chó thả rông thiếu ý thức, gây ảnh hưởng trị an cần phải được xử lý nghiêm, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Người dân ủng hộ hoạt động bắt chó thả rông

Mặc dù pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc nuôi chó cần phải có các biện pháp an toàn như xích, rọ mõm, nhưng khá nhiều người dân dường như “phớt lờ” quy định này. Thậm chí, khi bị hàng xóm, tổ dân phố nhắc nhở vẫn không thay đổi mà còn thách thức.

Có lẽ, chính vì bức xúc trước hiện trạng trên nên việc nhiều người dân đã nhiệt tình ủng hộ việc một phường trên địa bàn TP Thủ Đức, TP HCM triển khai hoạt động bắt chó thả rông.

Cụ thể, từ cuối tháng 10/2022, sau khi thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại trên địa bàn, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết rõ về hoạt động bắt bó thả rông nhằm để người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành vi.

Từ ngày 5/11, đội chuyên trách bắt chó chạy rông, động vật mắc bệnh dại và có dấu hiệu mắc bệnh dại của phường đã chính thức “ra quân” theo quy định: bắt chó thả rông - tạm giữ ở điểm cách xa khu vực dân cư để chờ chủ nuôi đến làm thủ tục xử phạt và nhận chó. Sau 48 giờ, nếu chó không có người đến nhận sẽ được giao cho đơn vị thú y để xử lý theo quy định chuyên ngành.

Bước đầu, việc chính quyền địa phương lập đội chuyên trách bắt chó thả rông như trên để đảm bảo cảnh quan đô thị, môi trường sạch sẽ và an toàn cho người dân được nhiều người ủng hộ và mong muốn triển khai mô hình này rộng rãi hơn.

Theo khoản 3 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời chủ vật nuôi cùng phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn gồm: đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường và các biện pháp khác.

Khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Đọc thêm