Trung tuần tháng 7/2011, nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trú tại TP Huế) đã công bố thêm một tài liệu quý hiếm: Hình ảnh “Biển Đông trên Cửu đỉnh” (với 2 chữ Đông Hải và hình ảnh biển Đông được khắc ở 1 trong 9 đỉnh bằng đồng) đang được bảo lưu ở Hoàng cung triều Nguyễn trong Đại Nội Huế.
Đây là những chứng cứ vô cùng quý báu nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển Đông.
Khi đến Đại Nội, nhiều du khách tự hào khi được chụp ảnh lưu niệm bên Cửu đỉnh |
“Vấn đề biển Đông đang trở thành một vấn đề thời sự không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và một số nước trên thế giới. Vấn đề chủ quyền trên biển Đông đã được đưa ra thảo luận trong các cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Là một nhà nghiên cứu lịch sử, là người con dân Việt, tôi rất trăn trở…”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An nói khi chúng tôi gặp ông để tìm hiểu những họa tiết in trên Cửu đỉnh minh chứng cho chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử
Cửu đỉnh là một bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng gồm 9 cái đỉnh được Bộ Công đúc tại Kinh đô Huế vào cuối năm 1835 dưới thời Minh Mạng và được đặt thành một hàng ngang trước Hiển Lâm Các, đối diện với Thế Miếu ở phía Tây Nam của Đại Nội Huế.
Cửu đỉnh 1: Bộ Cửu đỉnh được một người Pháp chụp lại vào năm 1931 |
Cửu Đỉnh gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Trong số các Cửu Đỉnh, đỉnh lớn nhất có trọng lượng 2.600 kg và đỉnh nhỏ nhất là 1.900 kg. “Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu.
Riêng đỉnh tương ứng với gian thờ vua Gia Long là lớn nhất, được đặt chếch về phía trước 3m vì vua Minh Mạng cho rằng Gia Long là vị hoàng đế có công khai sáng triều đại”- nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết. Sau khi ban chỉ dụ sai đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng cũng căn dặn Bộ Công rằng: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét”.
Theo nhà vua, Cửu đỉnh được đúc biểu trưng cho sự thống nhất, sự giàu đẹp của giang sơn cẩm tú, thể hiện ước mơ vương triều sẽ được bền vững, trường tồn.
Chủ quyền biển trên Cửu đỉnh
Các hải phận của nước ta cũng đã được triều đình nhà Nguyễn bấy giờ quan tâm một cách đặc biệt. Hình ảnh biển Đông được thể hiện trên Cao đỉnh (Gia Long), biển Nam trên Nhân đỉnh (Minh Mạng) và biển Tây trên Chương đỉnh (Thiệu Trị) - 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho 3 ông vua đầu tiên của triều đại. Dù đã trải qua 176 năm (1835- 2011) với bao biến thiên của lịch sử, Cửu đỉnh vẫn còn đứng vững giữa lòng đất nước.
Bộ “tài liệu” bằng đồng này cung cấp cho ngày nay, hậu thế cũng như thế giới nhiều thông tin cần thiết, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền của dân tộc về lãnh hải nói chung và biển Đông nói riêng.
Bộ Cửu đỉnh đang được bảo lưu tại Đại Nội Huế |
Trên Cửu đỉnh là 153 hình ảnh được thể hiện xung quanh các đỉnh bao gồm: núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền...Ở mỗi đỉnh, đúc nổi 17 cảnh vật, được phân bổ theo một biểu đồ chung: chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng gồm 1 chủng loại, tại mỗi hình ảnh đều có chữ chỉ tên từng cảnh vật…
Nếu ở Cao đỉnh có hình ảnh biển Đông (Đông Hải) thì ở Nhân đỉnh có biển Nam (Nam Hải) và ở Chương đỉnh có biển Tây (Tây Hải). Nếu ở Nhân đỉnh có hình ảnh sông Hương thì ở Tuyên đỉnh có sông Hồng và Huyền đỉnh có sông Cửu Long. Nếu ở Nghị đỉnh có cửa biển Thuận An (Thuận An hải khẩu) thì ở Thuần đỉnh có cửa biển Cần Giờ (Cần Giờ hải khẩu) và ở Dụ đỉnh có cửa biển Đà Nẵng (Đà Nẵng hải khẩu)…
Hầu hết, các hình ảnh ở Cửu đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật, rất thân thuộc với dân tộc Việt Nam. “Cửu đỉnh quá xứng đáng là bảo vật quốc gia bởi cả non sông đều được khắc trên đó” – PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ, thốt lên.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Uy cũng nhận định một cách sâu sắc về Cửu đỉnh: “Đây là một cuộc triển lãm xây dựng trên đời sống trí tuệ và tâm linh của cả một dân tộc mà cho đến ngày nay, giá trị ấy càng được xác định hơn. Tâm hồn của đất nước, truyền thống biểu hiện tài tình để ca ngợi Tổ quốc hoa gấm, nước biếc non xanh giàu đẹp, vững bền”.
Ông cũng cho rằng bộ Cửu đỉnh là một “bản kiểm kê” tài sản quốc gia vào những thập niên đầu thế kỷ thứ XIX, trong đó có phần lãnh hải của Tổ quốc, mà cụ thể là biển Đông, biển Nam và biển Tây.
Ý thức biển của vua Minh Mạng cũng chính là ý thức biển của các vua triều Nguyễn, được thể hiện trên Cửu đỉnh cho chúng ta thấy rằng, chủ quyền trên biển Đông đã được khẳng định từ thế kỷ trước.
Theo GS. TS Nguyễn Quang Ngọc- Viện trưởng Viện Việt Nam học: “Vua Gia Long chính là người đã tuyên bố về hoạt động chủ quyền của vương triều mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào phản đối hay có ý định tranh giành với ông. Đây là một trong những trang đẹp nhất, rạng ngời nhất của lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều biết”.
Cửu đỉnh là những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước. Tất cả những hình trên Cửu đỉnh là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hoá dân gian và văn hoá bác học, là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỉ XIX. Cửu đỉnh, do đó, là di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Huế Thương