Ngày 25/3, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên năm 2023, với chủ đề “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ tỉnh Bình Định trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Hơn 250 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đại diện cho hơn 327.000 thanh niên toàn tỉnh tham gia buổi đối thoại.
Tại hội nghị, các đoàn viên, thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới các nhóm vấn đề như: chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực số trong giai đoạn hiện nay; giáo dục, đào tạo, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ và những chính sách của tỉnh trong thời gian tới để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; chính sách hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, dịch vụ, cơ chế tạo việc làm cho thanh niên; rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên…
|
Chị Lê Mộng Huyền đặt vấn đề tại buổi đối thoại. |
Chị Lê Mộng Huyền - Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Kinh tế - Kế toán (Trường ĐH Quy Nhơn) đặt vấn đề: “Chúng tôi vẫn chưa hiểu hết về định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới. Tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh cho biết thêm về định hướng nghề nghiệp trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới? Cơ hội nghề nghiệp đối với thanh niên trẻ như thế nào?”.
Trong khi đó, ngoài nêu câu hỏi về những chính sách của tỉnh trong việc phát triển xã hội số cũng như vai trò của thanh niên, anh Nguyễn Thành Long - Bí thư Đoàn phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) còn cho rằng ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Do đó, anh đề xuất nên tập trung những nguồn lực về các vùng này trước, để san bằng khoảng cách về công nghệ.
|
Anh Nguyễn Thành Long đề xuất nên tập trung những nguồn lực về các vùng nông thôn, để san bằng khoảng cách về công nghệ. |
Dưới sự điều hành của ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời, làm rõ những nội dung đoàn viên, thanh niên kiến nghị, đề xuất.
Trả lời các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số trên địa bàn, ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cho biết, 2 năm vừa qua, UBND tỉnh có nhiều văn bản quan trọng trong việc chuyển đổi số. Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nêu rõ, đến năm 2025, tỉnh đặt ra 4 mục tiêu chính về chuyển đổi số, gồm: hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% xã trên địa bàn tỉnh; phổ cập mạng di động 4G, 5G cũng như điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 50%; 100% đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.
|
Ông Trần Kim Kha trả lời các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số trên địa bàn. |
“Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Tỉnh đoàn thảo luận và đề xuất chính sách để hỗ trợ cho các tổ công nghệ số của thanh niên tại các địa phương triển khai chuyển đổi số”, ông Kha cho biết.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, việc chuyển đổi số phải thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đến cuối năm 2023, toàn bộ hạ tầng sóng 4G được phủ và phải thử nghiệm sóng 5G trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn, trước mắt lực lượng thanh niên phải tham gia tích cực vào việc hướng dẫn bà con trong việc chuyển đổi số.
|
Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại. |
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cũng nêu ra 4 nhiệm vụ của cả chính quyền và tổ chức Đoàn cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, thứ nhất, tổ chức Đoàn các cấp và đoàn viên, thanh niên phải quan tâm, nắm chắc định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để cùng tham gia đóng góp ý kiến, sáng kiến, hiến kế của mình trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thứ hai, thanh niên phải tiên phong trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số mà trọng tâm là tổ công nghệ số cộng đồng. Thứ ba, tổ chức Đoàn phải tích cực đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ bằng chính sách xã hội hóa, chính sách của Nhà nước và các hoạt động về kinh tế. Thứ 4, đẩy mạnh chăm lo, hỗ trợ thanh niên học nghề, đào tạo nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là thanh niên ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
“Tỉnh đoàn và các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phải có kế hoạch cụ thể triển khai những nhiệm vụ này, có chế tài khen thưởng, kỷ luật gắn với trách nhiệm. Tránh tình trạng nói nhưng không làm hoặc làm nhưng không có kết quả cụ thể”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.