Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga chia buồn sâu sắc với nhân dân Việt Nam

(PLO) -  Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Matvienko thay mặt Lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội Liên bang Nga và cá nhân gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cảm ơn lời chia buồn cùng những tình cảm tốt đẹp mà Chủ tịch Matvienko đã dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang...

Trong khuôn khổ các hoạt động tại Saint Petersburg, ngày 21/9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc đã gặp Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga V. Matvienko.

Chủ tịnh Hội đồng Liên bang Nga (Thượng Viện Nga) – bà Valentina Matvienko trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ảnh: VOV

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Matvienko thay mặt Lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội Liên bang Nga và cá nhân gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bà Matvienko đánh giá Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có đóng góp lớn cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.   

Bà Matvienko bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Đoàn đại biểu Việt Nam vào các hoạt động của Diễn đàn, đóng góp hiệu quả vào thành công của Hội nghị; đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và sẽ làm hết sức mình để đưa hợp tác song phương giữa hai nước phát triển ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.   

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cảm ơn lời chia buồn cùng những tình cảm tốt đẹp mà Chủ tịch Matvienko đã dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trao đổi về quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam nhất quán coi trọng và ưu tiên phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Năm chéo Việt Nam – Liên bang Nga nhân dịp kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao  Việt Nam – Liên bang Nga (1950-2020). Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu. 

Cùng ngày, tại phiên khai mạc Diễn đàn Phụ nữ Á – Âu lần thứ hai đang diễn ra tại thành phố Saint Petersburg của Nga, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ Việt Nam ngày càng chú trọng thể chế hoá việc thực hiện bình đẳng giới.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh Việt Nam đang ngày càng chú trọng thể chế hóa việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đặt ra các mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực này, trong đó có tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, giảm khoảng cách giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực và trong đời sống gia đình…

Phó Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực như tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đều đạt 26-27%, tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế đạt 85%, phụ nữ được đào tạo nghề đạt trên 55%... Phụ nữ Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia khởi nghiệp và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch nước kêu gọi phụ nữ đi đầu thúc đẩy liên kết kinh tế và hợp tác quốc tế, nỗ lực học tập, trang bị kiến thức để không bị tụt hậu; mỗi quốc gia phải coi việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cơ hội cho phụ nữ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, Chính phủ và doanh nghiệp phối hợp tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nguồn lực sản xuất, kinh doanh và tham gia thị trường lao động. Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn phụ nữ trên toàn thế giới mở rộng hợp tác quốc tế để có thể đóng góp tích cực hơn vào việc thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.