Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; bà Nguyễn Thúy Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và khoảng gần 700 học sinh sinh viên, chi hội phụ nữ các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với chủ đề “Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai”, Tuần lễ hưởng ứng ngày Tiết kiệm năm nay hướng đến nhóm đối tượng trọng tâm là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên - những người có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phong trào tiết kiệm.
Đông đảo đại biểu tham dự Lễ phát động |
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ chương trình như giao lưu với chủ đề “Làm thế nào để tiết kiệm hiệu quả”; Hội thảo Tiết kiệm - Đầu tư và Tiêu dùng; trao tặng sổ tiết kiệm cho các nữ sinh viên nghèo vượt khó, đặc biệt là các em nữ sinh quê miền Trung nơi vừa xảy ra thiên tai lũ lụt…các đơn vị đồng tổ chức mong muốn nâng cao nhận thức trong xã hội về tầm quan trọng của tiết kiệm và các hình thức tiết kiệm; đặc biệt trong việc huy động tiền nhàn rỗi từ cộng đồng, tạo nguồn vốn, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời, củng cố niềm tin của cộng đồng, người dân vào hệ thống tài chính - ngân hàng quốc gia...
Phát động Tuần lễ Việt Nam hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự xúc động trước hình ảnh một người phụ nữ ở Nam Định chỉ bằng công việc bán ve chai nhưng với ý chí vươn lên, quyết tâm đổi đời và tinh thần tiết kiệm đã trở thành chủ doanh nghiệp. Tấm gương vượt khó này đã thể hiện sức mạnh và ý chí của phụ nữ Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, ngày tiết thế giới lần đầu tiên tổ chức vào 31-10-1924 với mục tiêu nâng cao nhận thức, hướng tới thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm của toàn xã hội. Ngày nay, nhiều người dường như đã lãng quên ngày tiết kiệm Thế giới nhưng ý nghĩa của ngày này vẫn có giá trị lâu dài.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ những câu chuyện về thực hành tiết kiệm ở các nước mà ông đã đến thăm: “Năm 2008, tôi sang thăm Phần Lan, đây là nước có thu nhập trung bình trên đầu người ở mức độ cao trên thế giới và có học sinh học giỏi nhất thế giới. Tại sao họ giàu và giỏi đến thế? Từ những việc rất cụ thể như khi tặng hoa cho tôi, bà Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan chỉ tặng một bó hoa rất nhỏ chỉ to bằng bàn tay nhưng vẫn thể hiện sự trân trọng. Về đến khách sạn ăn tối, mọi thứ rất đơn giản, gọn nhẹ cả về cách tổ chức lẫn thời gian. Phần Lan giàu hơn ta, có lẽ do họ luôn luôn có thái độ sống rất tiết kiệm. Ở Nhật Bản, đến thăm một chùa khá nổi tiếng. Chúng tôi không thấy ai mang hoa quả, thậm chí không mang hương, người dân đến chùa với tấm lòng. Họ đóng góp thì mỗi người đóng góp một viên ngói, ghi tên mình vào đó để khi nào có viên ngói của chùa hỏng thì họ sẽ thay.
Năm 2010, tôi đến xã Sín Chéng, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai thăm các cháu mẫu giáo ở vùng sâu, vùng xa và có mang theo nhiều kẹo. Chúng tôi ngồi xuống trò chuyện, đưa kẹo cho các cháu ăn. Khi nhận được kẹo, các cháu cầm ngay viên kẹo cho ngay vào miệng mà không bóc vỏ. Bởi vì các cháu chưa bao giờ biết đến cái kẹo như thế nào. Tôi đã bóc chiếc kẹo đó cho cháu bé và trong lòng thấy rất băn khoăn, ngổn ngang vì nếu như ở dưới xuôi, mỗi bữa cơm chúng ta tiết kiệm được chai bia, bớt đi chai rượu thì có lẽ cũng đã giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn ở miền núi. Chúng ta hãy nhìn vào thùng rác trong mỗi nhà hàng, trong gia đình mình, xem mỗi ngày đang thải ra những gì? Chắc chắn trong đó nhiều thứ còn tận dụng được và chúng ta vẫn chưa tiết kiệm. Vì vậy, mỗi gia đình Việt Nam hãy tự lên kế hoạch sẽ tiết kiệm cái gì cho gia đình và mỗi cơ quan, tổ chức hãy nâng cao ý thức tiết kiệm khi sử dụng tài sản công”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ.
Năm 2012 tôi thăm Ấn Độ, đi trên đường thì thấy những dấu bàn tay in rất nhiều ở tường. Sau đó chúng tôi mới hiểu người dân Ấn Độ trát phân bò lên tường để phơi, và dấu tay đó là của những người đi nhặt phân bò phơi khô, sau đó sử dụng làm chất đốt. Họ đã tiết kiệm đến như vậy. Người Ấn Độ có câu nói rất hay: “chúng ta hãy sống tiết kiệm, để người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn. “
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam rất có khả năng tiết kiệm mà con số do Hội LHPN đưa ra đã chứng minh điều đó. Chỉ với số tiền tiết kiệm từ 5.000-10.000 đồng/tháng, trong 5 năm (2012-2016), 11 triệu hội viên phụ nữ đã tạo được nguồn quỹ tiết kiệm đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 1,5 triệu phụ nữ vay vốn thoát nghèo bền vững. Điều này đã thể hiện sức mạnh và ý chí của phụ nữ Việt Nam. Cuộc sống hôm nay phải nghĩ đến ngày mai. Người phụ nữ Việt Nam tiết kiệm chính là lo cho gia đình mình, cho xã hội, nhất là người nghèo.
Ở cấp độ quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, một trong yêu cầu đặt đang đặt ra với đất nước đó là tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó tham nhũng chính là thứ lãng phí khủng khiếp nhất, vì gia đình của mình, vì sự phát triển của đất nước, mỗi người dân cần cương quyết đấu tranh chống lại những hiện tượng tham nhũng và lãng phí.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ban ngành, đoàn thể, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục suy nghĩ để có những sáng kiến nhằm đẩy mạnh thi đua tiết kiệm bởi tiết kiệm hôm nay chính là góp phần vào tương lai tươi sáng ngày mai, trở thành nụ cười của tất cả mọi người Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng chia sẻ ý nghĩa của việc thực hiện tiết kiệm |
Cùng chia sẻ về ý nghĩa của việc thực hiện tiết kiệm, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, quá trình vận động chị em phụ nữ ở các chi hội địa phương trên toàn quốc tham gia tiết kiệm đã góp phần phát huy nội lực, tạo được ý thức tiết kiệm, khơi dậy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong hội viên góp phần phát triển kinh tế hộ cá thể. “Việc tiết kiệm, kể cả tiết kiệm những khoản tiền rất nhỏ nhưng nếu đúng cách cũng sẽ đem lại những hiệu quả to lớn đối với đời sống kinh tế xã hội”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Phương Cảo