Bày tỏ xúc động trước nghị lực vượt lên số phận của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Chủ tịch nước nêu rõ, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, vết thương từ bom đạn dần được hàn gắn, nhưng vết thương chiến tranh do chất độc hóa học gây ra vẫn còn dai dẳng, lâu dài... C
hủ tịch nước cũng đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nỗ lực, không quản ngại khó khăn để chăm lo sức khỏe cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chủ tịch nước cho biết, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, xoa dịu nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa mang tính nhân đạo, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn xã hội.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ với TW Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam rà soát chính sách để bảo đảm tất cả nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều được thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Diễn ra trong hai ngày (từ 12 - 13/7/2016), Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ III có khoảng 300 đại biểu tham dự, là một trong những sự kiện quan trọng nhân dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.