Chuyến công tác dự kiến từ ngày 17/10 đến ngày 20/10/2023.
Theo Bộ Ngoại giao, sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013).
Về phạm vi địa lý, sáng kiến “Vành đai và Con đường” trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latin. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.
Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến là kết nối chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối thương mại và đầu tư, kết nối tài chính - tiền tệ, kết nối con người.
Về kết quả đạt được, tính tới tháng 7/2019, Trung Quốc đã ký hơn 170 thỏa thuận hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế về hợp tác liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Đặc biệt, Trung Quốc đã thành công trong việc đạt được sự công nhận rộng rãi hơn của quốc tế đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường” và bước đầu thể chế hóa sáng kiến thành một cơ chế toàn cầu; uy tín của AIIB ngày càng tăng khi số lượng thành viên đã lên đến 100 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến hết năm 2022, Trung Quốc đã ký 206 thỏa thuận hợp tác về sáng kiến “Vành đai và Con đường” với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.