|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân lên đường thăm chính thức Nhật Bản.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm diễn ra từ ngày 27-30/11 theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.
Tháp tùng Chủ tịch nước và Phu nhân có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Trợ lý Chủ tịch nước Dương Quốc Hưng.
Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới và cũng là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ 4 của các Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 2023 đánh đấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Nhật Bản cũng là năm đánh dấu 9 năm 2 nước nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Nhật Bản diễn ra đúng vào thời khắc rất quan trọng trong quan hệ hai nước: Đó là hai nước cùng nhau có các hoạt động trong suốt năm 2023 để kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, và chuyến thăm là sự kiện hết sức quan trọng trong loạt hoạt động kỷ niệm đó.
Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng góp phần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo,chuyển đổi sốgóp phần củng cố quan hệ giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước dự kiến hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, phát biểu chính sách tại Quốc hội Nhật Bản, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa... và thăm tỉnh Fukuoka.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/2973. Quan hệ giữa hai nước đã trải qua nửa thế kỷ và đang trong giai đoạn tốt đẹp và mật thiết nhất trong lịch sử, đơm hoa kết trái, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Hai nước luôn coi nhau là đối tác tin cậy, gắn bó chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực... Nhật Bản hiện là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 30 tỷ USD), đối tác hợp tác lao động thứ 2, du lịch và đầu tư thứ 3 và thương mại thứ 4 của Việt Nam.
Hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu... Hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân có tiến triển tích cực. Trên diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc..., hai nước luôn hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ kỳ vọng, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước và Phu nhân sẽ góp phần làm quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản trên các lĩnh vực: làm tin cậy chính trị, tăng cường tiếp xúc, trao đổi các cấp giữa hia bên; tiếp tục xây dựng hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ hai nước; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới; đẩy mạnh và đưa hợp tác địa phương, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân đi vào chiều sâu và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực.