Buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ với Bộ VHTT&DL tập trung vào việc rà soát, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kết quả Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung được phân công tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Qua báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc, phát biểu kết luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao ngành VHTT&DL đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và biến động, nhất là tác động của đại dịch COVID-19.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa
Điểm lại những kết quả nổi bật của ngành VHTT&DL, Chủ tịch QH ghi nhận Bộ VHTT&DL đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt đã đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật, kiến tạo sự phát triển các ngành, lĩnh vực quản lý. Chủ tịch QH cũng nhất trí với nhận định thẳng thắn của Bộ về những điểm còn tồn tại, hạn chế.
Nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách của Bộ là rất lớn với 38 nhóm nhiệm vụ, Chủ tịch QH cho rằng, Bộ và ngành VHTT&DL cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch QH yêu cầu Bộ VHTT&DL cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết là để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất, từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
|
Chủ tịch QH đề nghị ngành văn hóa tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam. |
Nêu rõ các quan điểm về văn hóa tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tầm quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chủ tịch QH đề nghị Bộ VHTT&DL thường xuyên rà soát, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ QH, bao gồm cả những nhiệm vụ lập pháp mới có thể phát sinh.
Đặc biệt, cần lưu ý chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Nỗ lực hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực văn hóa
Chủ tịch QH cũng yêu cầu Bộ VHTT&DL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khẩn trương nghiên cứu, rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành để đánh giá, đề xuất hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực văn hóa.
Trong đó, theo Chủ tịch QH cần phân chia thành 5 nhóm gồm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hoặc thay thế các luật hiện hành có vướng mắc, khó khăn do đã được ban hành lâu, không còn phù hợp với tình hình thực tế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển hiện nay như Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Báo chí...; nghiên cứu, đề xuất ban hành một số luật mới; các vấn đề chưa được thể chế hóa, nhất là các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tiếp tục rà soát các nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực VHTT&DL; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành VHTT&DL, nhất là các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, khuyến khích sáng tạo...
Chủ tịch QH đề nghị Bộ VHTT&DL cần nỗ lực cao nhất để trình ban hành được Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như đề xuất tại Hội thảo Văn hóa 2022. “Nếu trình được trong năm nay thì QH rất hoan nghênh, nếu chậm nhất thì cũng phải trong năm 2024. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTT&DL nghiên cứu cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ ra tại Hội thảo Văn hóa năm 2021, xác định rõ Trung ương làm gì, địa phương làm gì để tập trung đầu tư ra tấm, ra món cho hiệu quả”, Chủ tịch QH nói.
Về phối hợp tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tham gia Ban Tổ chức, cử đại diện tham gia các Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Thông tin và Tuyên truyền của Hội nghị. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại Phiên thảo luận chuyên đề về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, làm rõ những yếu tố đặc sắc của Việt Nam và nội dung văn kiện cuối cùng của Hội nghị. Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại thanh niên về những vấn đề có liên quan đến chủ đề chính và các chuyên đề của Hội nghị...
Chủ tịch QH ghi nhận các kiến nghị của Bộ VHTT&DL, trong đó có việc thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm; việc thành lập Văn phòng đại diện Xúc tiến du lịch quốc gia tại các thị trường nguồn khách trọng điểm của du lịch Việt Nam…
Riêng vấn đề visa, Chủ tịch QH gợi mở, nếu chưa sửa đổi được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay trong Kỳ họp tới có thể đề xuất QH đưa vào Nghị quyết để tháo gỡ, từ đó kích cầu du lịch.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trọng tâm trước mắt là trong năm nay Bộ sẽ trình QH xem xét, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển văn hóa; đồng thời tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực phụ trách theo đúng tinh thần của Đảng ta xác định, thể chế là khâu đột phá.