Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trọng trách xây dựng pháp luật năm Nhâm Dần

(PLVN) -  Ngày 14/10/2021, khi Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành Kết luận 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV; là một thông tin rất vui với cả nước, đặc biệt là ngành Tư pháp.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có kết luận định hướng xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ, là vấn đề hết sức quan trọng để QH và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận 19-KL/TW, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng đề ra từ ĐH XI; và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ ĐH XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 - 2030.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐH XIII, Kết luận 19-KL/TW và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV, Chủ tịch QH đã lưu ý những vấn đề then chốt:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp. Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra.

Thứ hai, không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình QH.

Thứ ba, trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản pháp luật, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục, nhất là trong chuẩn bị hồ sơ đề nghị, soạn thảo, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.

Thứ tư, hết sức quan tâm triển khai nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, đặc biệt là trong năm 2022, có thể coi là năm bản lề triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW.

Theo tiến độ xác định trong đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian đến hết năm 2022, trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước 30/6/2022, 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước 31/12/2022. Đây là một thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn (khoảng hơn 1 năm) phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ QH khóa XV.

Và như vậy, 2022 sẽ là một năm đầy thách thức, đòi hỏi trọng trách của những cơ quan lập pháp, xây dựng pháp luật, trong đó có Bộ Tư pháp. Để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao.

2022 đã rất khác gần 20 năm trước đây, khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”.

Kết luận 19-KL/TW đã truyền tải chỉ đạo những thông điệp rất rõ ràng sắc nét, như “Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm”.

Thế nên dư luận và nhân dân tin tưởng, cùng với quá trình đã cọ xát thực tiễn, hội nhập giao lưu quốc tế nhiều thập kỷ; cùng với đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực được đào tạo bài bản và kinh nghiệm; những nhiệm vụ trên nhất định chúng ta sẽ hoàn thành tốt trong năm Nhâm Dần.

Đọc thêm