Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: 'Không xem nhẹ công tác phòng chống thiên tai'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời điểm cuối năm 2020, đầu 2021 mưa lớn diện rộng kèm theo mưa đá xảy ra đã gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Số liệu thống kê từ cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang cho thấy, mặc dù năm 2020 được nhận định mưa, bão lớn cũng như tình trạng ngập úng không kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự cố về đê điều, sạt lở bờ sông,thiệt hại nghiêm trọng đến mùa màng.

Trong đó, hơn 1100 ha lúa, gần 68 ha hoa màu, gần 9 ha cây lâm nghiệp, 6,3 ha cây ăn quả bị hư hỏng, hơn 300 con gia cầm bị chết, cùng với đó, một số công trình trường học, nhà văn hoá, công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng. Đáng chú ý, có hơn 1700 ngôi nhà bị thiệt hại do dông, lốc. Tổng thiệt hại trên 44 tỷ đồng.

Năm 2021, nhận định tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường hơn năm ngoái, tiềm ẩn nhiều thiên tai và thời tiết cực đoan hơn. Dự báo tỉnh Bắc Giang sẽ chịu ảnh hưởng từ 1 đến 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, cùng với đó là khoảng 6 đến 8 đợt nắng nóng diện rộng; nhiệt độ cao nhất dự báo từ 39 - 40 độ C.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, tỉnh Bắc Giang coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là trách nhiệm của toàn dân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

"Tỉnh Bắc Giang chú trọng việc đảm bảo chủ động trong phòng, ngừa; kịp thời, hiệu quả trong ứng phó; khắc phục khẩn trương, khôi phục, tái thiết bền vững và xây dựng lại tốt hơn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào việc khắc phục tư tưởng chủ quan, không xem nhẹ, luôn đề cao công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đề xuất hoàn thiện và căn cứ quy định của cấp trên triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương; ban hành các quy định phù hợp với thực tế của tỉnh..." - ông Dương nhấn mạnh.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai một số giải pháp khác như tập trung tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó tập trung đẩy mạnh chất lượng thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn và các hiện tượng thiên tai nguy hiểm; Chuẩn bị tốt lực lượng để sẵn sàng thực hiện phương châm 4 tại chỗ; Củng cố hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Mặt khác, tiến hành tu bổ, nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý. Đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống sụt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản…, quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sự cố.