Chủ tịch tỉnh Kiên Giang khảo sát các điểm sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 7/6, Đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành làm Trưởng đoàn khảo sát các điểm sạt lở và làm việc với UBND huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng về giải quyết kiến nghị của cử tri.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành (đội nón trắng) khảo sát các điểm sạt lở tại ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành (đội nón trắng) khảo sát các điểm sạt lở tại ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại các vị trí sạt lở trên địa bàn huyện U Minh Thượng; cầu vượt sông Kênh Làng Thứ 7 qua đường lộ KT1 nối huyện An Biên - An Minh; Dự án cầu thị trấn Thứ 11 (An Minh) vượt kênh Tân Bằng - Cán Gáo; cầu vượt tỉnh lộ 965B (Kênh Hãng) Đường KT1 (An Minh).

Theo trình bày của huyện An Minh, huyện quản lý 43 công trình, dự án; các xã quản lý 17 công trình về Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Dự án Đường KT1, với tổng mức đầu tư là 200.000 triệu đồng, dự án đang triển khai thi công, ước khối lượng hoàn thành đến nay đạt trên 88%. Dự án Cầu thị trấn Thứ 11, tổng mức đầu tư là 200 triệu triệu đồng; Đến nay đang triển khai thi công ước khối lượng đạt khoảng 30%.

Tuy nhiên, đối với Dự án Cầu thị trấn Thứ 11 (vượt Kênh Tân Bằng - Cán Gáo) còn 1 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, yêu cầu tăng giá đất theo thực tế của thị trường. Đối với Dự án Đường KT1, còn 5 hộ dân, do các hộ dân yêu cầu tăng giá bồi thường vật kiến trúc, yêu cầu hỗ trợ nền nhà theo suất tái định cư và đa số các hộ dân không đồng tình theo phương án bồi thường, hỗ trợ.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, huyện An Minh kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc các công trình đầu tư công trên địa bàn huyện để triển khai thi công đảm bảo tiến độ và kế hoạch được phê duyệt.

Theo đó, huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét giá bồi thường đất đối với các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường thuộc Dự án Cầu thị trấn thứ 11; Đề xuất UBND tỉnh xem xét cắt giảm quy mô cầu Kênh Làng Thứ 7, xem xét cho huyện lập Dự án Đường Kênh Làng Thứ 7 để kết nối với dự án Đường KT1; Kiến nghị Sở Xây Dựng và các sở, ngành có liên quan có giải pháp để đảm bảo ổn định nguồn vật liệu cát san lấp.

Còn theo báo cáo của huyện U Minh Thượng, đến nay thiệt hại do ảnh hưởng sạt lở đất, sụt lún đất và rạn nứt có nguy cơ sạt lở đất, sụt lún đất gây ra trong vùng đệm, về đường giao thông. Đến nay, thiệt hại 454 điểm với chiều dài 11.374 m, ước tổng thiệt hại 225 tỷ đồng. Trong đó, Đường tỉnh 965 có tổng số 79 điểm với chiều dài 2.357 m, ước thiệt hại 170 tỷ đồng. Đường giao thông nông thôn, có khoảng 375 điểm với chiều dài 9.017 m, ước thiệt hại 55 tỷ đồng.

Điểm sạt lở tại ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Điểm sạt lở tại ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Về nhà ở, qua khảo sát, thống kê có 470 căn nhà của các hộ dân xây dựng cặp mé kênh trong khu vực vùng đệm. Đến nay, tổng thiệt hại về nhà ở 42 căn, ước thiệt hại 5.535 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao trong thời gian tới 66 căn nhà. Do trên tuyến đường tỉnh 965 và các tuyến lộ giao thông nông thôn khu vực vùng đệm có nhiều điểm sạt lở, sụt lún gây khó khăn cho thương lái và nông dân trong việc vận chuyển tiêu thụ các mặt hàng nông sản…

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu UBND huyện U Minh Thượng tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời các hộ dân và các cơ quan, đơn vị ở những khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, tại các khu vực trong phạm vi ảnh hưởng của sạt lở; Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn và không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Bên cạnh đó, địa phương khẩn trương thuê tư vấn khảo sát địa hình, địa chất, đánh giá tổng thể khu vực vùng đệm và xung quanh để quy hoạch, sắp xếp bố trí lại dân cư, hạ tầng giao thông. Nhất là huyện cần sớm triển khai các dự án đầu tư đã có chủ trương để sửa chữa, khắc phục sạt lở, bảo đảm ổn định lâu dài, không để kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đối với UBND huyện An Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024, chủ động phối hợp các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương thì chủ động thực hiện, nhất là vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, huyện cần tiếp tục phối hợp các sở, ngành theo dõi kết quả thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới An Minh năm 2023; Tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đảm bảo đúng thời gian và chất lượng.

Đọc thêm