Khác với xu hướng “công nghiệp, dịch vụ, du lịch” mà nhiều tỉnh, thành đang theo đuổi, Hậu Giang có một hướng đi khác. Hậu Giang là một tỉnh mới thành lập dựa trên kinh tế thuần nông nên lãnh đạo tỉnh luôn ưu tiên đầu tư cho chính sách tam nông. Báo Pháp luật Việt Nam có buổi trò chuyện với ông Trần Công Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Đột phá hàng năm cho phù hợp tình hình
Xin ông cho biết những thành tựu kinh tế, xã hội mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được sau 7 năm thành lập tỉnh?
- Hơn 7 năm qua, Hậu Giang luôn xác định và chủ trương đột phá hàng năm cho phù hợp với điều kiện của tỉnh. Thành tựu đạt được nổi bật là: tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao (năm 2010: 13,54%, năm 2004: 10,81%); thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 là 15,9 triệu đồng (860 USD), năm 2004 là 6 triệu đồng (383 USD); cơ cấu ngành kinh tế đến cuối năm 2010 tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng khu vực II và III, giảm tương đối tỷ trọng khu vực I; tổng thu nội địa năm 2010 đạt 898 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so năm 2004 (204 tỷ đồng); tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 8.105 tỷ đồng, gấp hơn 4,4 lần so năm 2004 (1.846 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2010 đạt 183,1 triệu USD, tăng 32,9% so năm 2004 (137,8 triệu USD).
Kim ngạch nhập khẩu năm 2010 đạt 49,5 triệu USD, tăng 10,3 lần so năm 2004 (4,8 triệu USD); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo năm 2005 từ 23,55% giảm xuống còn 8,92% tổng số hộ năm 2010; tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện từ 90,3% năm 2004 lên 96,7% số hộ năm 2010; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 66% năm 2004 lên 90% tổng số hộ năm 2010; sản lượng lúa hàng năm của tỉnh hàng năm đạt trên 1 triệu tấn, sản lượng mía ước đạt trên 1,4 triệu tấn, diện tích cây ăn trái đến năm 2010 là 22.300 ha, diện tích nuôi thủy sản đạt trên 12.000 ha; có nhiều mô hình sản xuất tổng hợp đạt giá trị sản xuất 50-100 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 35-40%.
Các công trình Trung ương đầu tư trên địa bàn cũng đã được triển khai như: Đường Nam Sông Hậu, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61, cầu Cái Tư, tuyến lộ Bốn Tổng - Một Ngàn, tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp, nạo vét tuyến đường thủy quốc gia TP.HCM - Cà Mau, kênh Nàng Mau 2, dự án Ô Môn - Xà No... tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, huyện, hệ thống đường nội ô thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, các thị trấn, hệ thống kè Xà No, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, các đường về trung tâm xã chưa có đường ô tô, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Các công trình trọng điểm khác như: Khu hành chính Tỉnh ủy, Khu hành chính UBND tỉnh, các trụ sở cơ quan ban ngành, Bệnh viện Đa khoa 500 giường, bệnh viện tuyến huyện, Trường dạy nghề tỉnh Hậu Giang, Trường Cao đẳng cộng đồng, Trường Dân tộc nội trú (đang xây dựng trường thứ 2 tại huyện Châu Thành A), khu liên hợp thể dục thể thao, Trường Đại học Võ Trường Toản...
Hiện toàn tỉnh có 1.822 doanh nghiệp (năm 2004: 314 DN), tổng vốn đăng ký là 16.816 tỷ đồng; thu hút đầu tư theo luật Đầu tư được 423 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tổng vốn 54.400 tỷ đồng và 730 triệu USD (15 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 730 triệu USD). Các khu, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh đã thu hút được 31 nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng diện tích giao đất, cho thuê đất gần 900ha, đạt trên 64% tổng diện tích đất khu công nghiệp, tổng vốn thu hút đầu tư trên 37.600 tỷ đồng và 633,2 triệu USD. Một số nhà đầu tư lớn: Tập đoàn Giấy Lee&Man (Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam), Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Minh Phú...
Hậu Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2008 và được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, dẫn đầu phong trào thi đua của Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ: năm 2008 xếp hạng nhì; năm 2009 xếp hạng nhất. Thành tựu của tỉnh Hậu Giang được Trung ương đánh giá là toàn diện và rất quan trọng.
Ông Trần Công Chánh kiểm tra thực tế một dự án. |
Nhiều chương trình thiết thực ưu tiên cho nông nghiệp
- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua tỉnh đã có một số việc làm thiết thực, nổi bật là năm 2009 Hậu Giang cùng các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố bạn phối hợp tổ chức thành công Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I tại Hậu Giang; hàng năm tỉnh phát động thi đua thực hiện chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị, với kinh phí thực hiện bình quân 300 tỷ đồng / năm, trong đó nhân dân đóng góp hơn 50%; tích cực triển khai Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới - đến cuối năm 2010 tỉnh có 42/74 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo tiêu chí của tỉnh) và hiện đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của quốc gia.
Ngày 20/5/2011, UBND tỉnh ban hành “Chương trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015”. Đây là một trong bốn chương trình đành động giai đoạn 2010-2015 để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XII. Mục tiêu của chương trình này là phát triển nông nghiệp bền vững; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiên tiến; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Trong chương trình có 3 mũi đột phá, đó là: (1) trên cơ sở “5 cây - 5 con” giai đoạn 2010 - 2015 tập trung đầu tư sâu cho “4 cây (lúa, mía, cây ăn trái, khóm) - 4 con (trâu, heo, gia cầm, thủy sản)” để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa lớn theo hướng chất lượng, hiệu quả, đồng thời tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất rau màu theo hướng GAP; (2) Ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn kết nối cho được các dự án giao thông huyết mạch tạo điều kiện phát triển nhanh kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở nông thôn; (3) “liên kết 4 nhà” gồm nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước.
Về chính sách, bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư chung đang thực hiện, cùng với chương trình hành động nêu trên, tỉnh sẽ xem xét để có một số chính sách ưu đãi riêng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các dự án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp.
Quan tâm đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở
Là một tỉnh mới thành lập nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã có những chính sách, hành động cụ thể để hỗ trợ ngành tư pháp, xin ông cho biết cụ thể là những chính sách ưu đãi gì?
- Ngành Tư pháp cũng như một số các ngành khác, có chung hạn chế, đó là đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, được đào tạo về chuyên môn chiếm tỷ lệ thấp. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, một mặt Tỉnh quan tâm chỉ đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật, mặt khác tỉnh rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Từ khi thành lập đến nay, Tỉnh đã hỗ trợ đưa hơn 390 cán bộ làm công tác tư pháp, trong đó có hơn 270 cán bộ cấp xã đi học chuyên ngành luật, trình độ trung cấp trở lên. Bên cạnh đó, Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo trên địa bàn liên kết mở các lớp trung cấp, đại học chuyên ngành luật cho cán bộ, công chức và nhân dân có nhu cầu học tập.
Hậu Giang đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện rất tích cực các nội dung Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và UBND tỉnh (ký vào tháng 4 năm 2010), trong đó có việc tạo điều kiện về mặt bằng để xây dựng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, tạo điều kiện cho Trường Trung cấp Luật Vị Thanh hoạt động, mở lớp đào tạo trong khi chờ xây dựng trường...
Điều mà lãnh đạo tỉnh Hậu Giang quan tâm nhất trong công tác lãnh đạo, điều hành hiện nay là gì, thưa ông?
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Ngọc Long (thực hiện)