Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) ngày 12/4 vượt qua vùng giá 43.000 đồng/cổ phiếu, cũng là mức lịch sử của cổ phiếu này trong 5 năm trở lại đây.
"Tôi cầm CTG từ tháng 10/2020, ở khoảng 27.000 đồng/cổ phiếu, cứ "đỏ" là tôi mua vào", anh Minh Tuấn, một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội, chia sẻ. Với anh Tuấn, CTG không phải là một cổ phiếu để đầu cơ hay "lướt sóng". "Bạn bè tôi không thích CTG vì lên không "sốc" như các bên khác nhưng cá nhân tôi lại rất thích, và nhìn câu chuyện của ngân hàng này cũng như đọc báo cáo các công ty chứng khoán nhận định giá, tôi càng có niềm tin", anh chia sẻ.
Chúng ta tạm thời không bình luận về nhận định trên vì dù sao thị trường chứng khoán là nơi nhà đầu tư nuôi kỳ vọng. Sẽ có những kỳ vọng và không phải kỳ vọng liên quan đến cổ phiếu này. Song nhìn vào những con số trong kết quả kinh doanh của VietinBank trong vòng 2 năm qua, có thể thấy kỳ vọng trên của nhà đầu tư cũng không hoàn toàn không có cơ sở.
Chật vật tăng vốn, cải thiện CAR
Trước 2019 là thời điểm khá "chật vật" của VietinBank. Áp lực tăng vốn để đáp ứng hệ số CAR khiến cho những lãnh đạo cao nhất trong HĐQT và Ban điều hành ngân hàng này lúc nào cũng "như ngồi trên lửa".
Người viết từng gặp ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, thời điểm khoảng 1 năm sau khi ông ngồi "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT ngân hàng này trong một sự kiện ngành do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Mái tóc lốm đốm bạc, khuôn mặt gần như lúc nào cũng ưu tư là những gì có thể cảm nhận được ở nhân vật này. Thậm chí, đã có lãnh đạo ngân hàng khác chia sẻ với người viết: "Áp lực với anh ấy (ông Lê Đức Thọ - PV) và VietinBank quá là lớn. Nếu không tăng vốn thành công và cải thiện được hệ số CAR, thì mọi việc sẽ cực kỳ nan giải".
Vì sao lại như vậy?
VietinBank là ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước lớn nhất, gần như giữ vị trí tạo lập thị trường. Nhưng để có thể giữ được lợi thế nói trên, ngân hàng phải khẩn trương tăng vốn điều lệ. Nếu không được tăng, ngân hàng sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng và điều đó đồng nghĩa với khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành cũng bị tác động, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.
Đến tháng 10/2020, nút thắt tăng vốn của các ngân hàng TMCP Nhà nước, trong đó có VietinBank, gần như được nới lỏng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2005 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sửa dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp. Các ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được bổ sung vào danh mục doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp Nhà nước tại doanh nghiệp. Các ngân hàng TMCP quốc doanh, trong đó có VietinBank, có thể "thở phào nhẹ nhõm".
Từng động thái của người đứng đầu HĐQT VietinBank cũng gần như gắn với "tiến trình" tăng vốn của ngân hàng này khi mà gần đây, ông Lê Đức Thọ cũng dường như cởi mở hơn với truyền thông.
Trò chuyện với Dân trí, ông Lê Đức Thọ bày tỏ: "Như thế nào đó cũng cần tế nhị", hàm ý là vì VietinBank, dù đã qua được những nút thắt ban đầu, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý.
Câu chuyện của người đứng đầu
Người đứng đầu HĐQT VietinBank gần như thoải mái hơn nhiều khi trò chuyện với Dân trí về câu chuyện tăng vốn của ngân hàng này. "Các năm trước cứ nhắc đến VietinBank là lại nhắc câu chuyện tăng vốn, cải thiện CAR thì đến năm 2020 vừa rồi giải quyết được căn bản rồi", ông nói.
Ông kể, vì câu chuyện tăng vốn được giải tỏa, lợi nhuận ngân hàng năm 2019 và 2020 đã có những cải thiện đáng kể nên những năm sau này, ngân hàng có thể duy trì đà tăng lợi nhuận.
Kết quả của năm 2019 và 2020 có được, theo Chủ tịch VietinBank, là "trái ngọt" của cả quá trình mấy năm tái cấu trúc. Năm 2019, lần đầu tiên con số lợi nhuận lên trên 10.000 tỷ đồng, đến năm 2020 thì số hợp nhất lên hơn 17.000 tỷ đồng. "Chúng tôi phải tăng được lợi nhuận vì có những áp lực, yếu tố khác", ông nói khi người viết đặt vấn đề về câu chuyện "giấu lợi nhuận trong năm Covid-19" vào dự phòng rủi ro của một số nhà băng trong khi VietinBank vẫn báo tăng trưởng hơn 40%.
"Giấu làm sao được. VietinBank hạch toán theo quy định chứ có phải thích để bao nhiêu thì để đâu. Làm tốt thì phải hạch toán tốt, không giấu được ở đâu cả. Chúng tôi cứ làm đúng quy định thôi, trích dự phòng thế nào, hạch toán bao nhiêu, ra sao...", ông nói.
Dù vậy, ngay cả khi Thông tư 01 được sửa đổi theo hướng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ, cơ cấu nợ tăng thì người đứng đầu HĐQT VietinBank cho biết ngân hàng ông vẫn có thể cải thiện vì "đã tính toán đến điều đó rồi, có phương án để quản trị hoạt động để đạt được mục tiêu kép vừa phục vụ nền kinh tế phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa hỗ trợ khắc phục khó khăn nhưng vẫn thúc đẩy phát triển".
Vì thế, tài liệu phiên họp đại hội cổ đông của VietinBank năm 2021 với nội dung chia cổ tức trên 12% trong đó 5% tiền mặt và phần còn lại (sau khi nộp thuế, trích lập các quỹ và chia cổ tức tiền mặt) dự kiến được chia bằng cổ phiếu đang làm "nức lòng" thị trường. VietinBank cũng là ngân hàng đầu tiên công bố chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay.
"Chúng tôi cũng đăng ký với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phương án chia cổ tức tiền mặt cỡ 5% mỗi năm, phần còn lại thì chia bằng cổ phiếu, cân đối giữa "tiêu dùng" và "tích lũy", ông Thọ nói. Ông cũng thẳng thắn bày tỏ thêm nếu như năm nào VietinBank cũng xin giữ lại lợi nhuận mà không chia cổ tức thì cũng khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu ngân sách. Hiện cổ đông lớn nhất tại VietinBank là cổ đông Nhà nước. Do đó, nếu giữ lại hết lợi nhuận, thu ngân sách vô hình trung bị ảnh hưởng.
"Cho nên chúng tôi phải tập trung tái cấu trúc và cải thiện mạnh mẽ. Có kết quả tốt thì mới giải quyết được vấn đề chia cổ tức. Chia hết bằng tiền mặt, ngân hàng không có tích lũy thì khó mà phát triển. Còn nếu chỉ chia bằng cổ phiếu thì cũng ảnh hưởng đến câu chuyện tiêu dùng cũng như yêu cầu cần thiết của cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước. Nói chung là phải hài hòa", lời ông Lê Đức Thọ.
Tài liệu họp ĐHCĐ 2021 của VietinBank mới công bố, ngoài phần về cổ tức, còn có thông tin về các chỉ tiêu khác. Ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 6-12%, huy động vốn tăng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tăng trưởng tín dụng, dự kiến 8-12%, nợ xấu dưới 2%.
Bản tài liệu này không đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, chia sẻ với Dân trí, ông Lê Đức Thọ cho biết mục tiêu lợi nhuận năm nay ngân hàng đặt ra dự kiến tăng khoảng 10-20%.
"Tôi cho rằng thị trường chung năm 2021 này vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các doanh nghiệp vẫn có thể bị tác động. Có vắc xin là thông tin tích cực và chúng tôi cũng mong đại dịch sớm được khắc phục để mọi thứ ổn định trở lại. Song hệ quả của đại dịch thì vẫn cần phải được phân tích tiếp và tôi nghĩ đại dịch vẫn sẽ có những tác động nhất định", ông bày tỏ.
Lãnh đạo ngân hàng nhìn nhận Covid-19 là thách thức nhưng cũng thúc đẩy quá trình để doanh nghiệp phải tái cấu trúc, linh hoạt với biến động thị trường. Ngân hàng nơi ông đang làm Chủ tịch HĐQT cũng đã đề ra chiến lược 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đồng bộ với chiến lược của đất nước.
Nhìn lại những năm qua, ông cho biết kết quả đạt được của ngân hàng là tích cực. Dù thế, những khó khăn, tác động của dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nên ngành ngân hàng, trong đó có đơn vị ông, sẽ cùng doanh nghiệp, người dân thực hiện biện pháp cần thiết trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, giảm lãi suất, phí... để tái cấu trúc.
"Tôi nghĩ kết quả năm 2021 của chúng tôi sẽ còn được cải thiện tốt hơn so với 2020 vì đã nằm trong quỹ đạo phát triển rồi", ông Lê Đức Thọ chia sẻ.