Chủ tịch VINPA Bùi Ngọc Bảo tiết lộ điều 'chua xót' trong kinh doanh xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Nhiều năm đứng đứng đầu Petrolimex và nay là Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), ông Bùi Ngọc Bảo đã dùng từ "chua xót" khi nói về vấn đề lợi nhuận của mặt hàng này. Ông dẫn ra con số "vốn chủ sỡ hữu của Petrolimex 25.000 - 26.000 tỉ nhưng chưa năm nào đạt lợi nhuận 3.000 tỉ" để chắc chắn rằng, nghề này không phải là siêu lợi nhuận.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

Những cơn "đỏng đảnh" của thị trường

- Từng lãnh đạo của một tập đoàn xăng dầu (XD) lớn nhất nước, ông có thể chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này gặp phải trong thời gian vừa qua?

- Năm 2022, thị trường xăng thế giới có biến đổi hết sức phức tạp. Đây là một năm hết sức dị biệt. Dị biệt không phải vì giá dầu thô tăng. Vì chuyện giá dầu thô tăng cao cũng đã từng xảy ra, như 2 năm 2014, 2018, chỉ là chưa tăng quá cao như năm nay. Dị biệt của năm 2022 thể hiện ở việc giá xăng dầu đã đạt đỉnh sau nhiều năm, đặc biệt là mặt hàng dầu diesel.

Bên cạnh đó, thị trường còn bị tác động bởi những cơn “đỏng đảnh” chưa từng xuất hiện. Đó là sự tăng giảm giá quá lớn trong biên độ rất ngắn. Có ngày giá dầu thô lên đến 10 USD/thùng rồi lại tụt xuống hơn chục USD/thùng chỉ ngay ngày hôm sau. Trước đây, phải mất khoảng 1 tháng thì dầu thô mới tăng - giảm lên đến mức 10 USD/thùng nhưng hiện nay chỉ 1-2 ngày đã có sự tăng giảm rất “khủng khiếp” này.

Không có cơ chế nào của chúng ta có thể “phủ” đến mức cực đoan này vì đây là vấn đề thị trường khách quan. Điều này dẫn đến việc tăng - giảm giá đột ngột trên thị trường, mang lại rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh XD, không chỉ với đầu mối nhập khẩu mà cả hệ thống bán lẻ bởi sự điều chỉnh mức độ tăng giảm đã vượt quá định mức lưu thông mà nhà nước quy định.

Ví dụ, nhà nước quy định định mức lưu thông của xăng là 1.300 đồng/lit, của dầu là 1.200 đồng/lit nhưng cơn “đỏng đảnh” của giá thế giới, mà biểu hiện rõ nhất là 2 ngày 14-15/9/2022 thì định mức lưu thông này đã tăng tương ứng với hơn 3.500 đồng/lit. Dẫn đến áp lực với hàng tồn kho của cả DN đầu mối và bán lẻ. Đây là tác động mang tính chất khách quan dù Chính phủ đã có những động tác điều hành khá kịp thời khi giảm nhiều loại thuế để kìm hãm sự tăng giá.

"6 tháng đầu năm xu hướng thị trường tăng, hầu hết đơn vị kinh doanh XD đều có lãi nhưng 3 tháng 7-8-9 vừa qua, với diễn biến thị trường cực đoan như vậy thì lợi nhuận đã bị cào bằng, nếu không muốn nói là lỗ", ông Bùi Ngọc Bảo

- Rất nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã kêu than về tình trạng chiết khấu thấp khiến thu không đủ bù chi. Có cửa hàng xin đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước đây kinh doanh xăng dầu rất lãi thì không lên tiếng, bây giờ vừa chịu thiệt chút, đã than. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Nói một cách công bằng thì XD không phải là ngành nghề kinh doanh siêu lợi nhuận như nhiều người vẫn nghĩ đâu. Tại sao tôi nói như thế? Tôi lấy luôn ví dụ với đơn vị lớn nhất trong ngành là Petrolimex. Gần như chưa năm nào lợi nhuận của Petrolimex đạt đến mức 3.000 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu 25.000-26.000 tỉ đồng. Chua xót lắm chứ, khi lợi nhuận chỉ đạt 11-12% trên vốn. Rõ ràng đây không phải là ngành siêu lợi nhuận.

Trong các báo cáo tài chính hàng năm của Petrolimex, nếu lãi hơn 2.000 tỉ đồng thì cũng chỉ có khoảng 50% lợi nhuận từ XD. Qua đây có thể thấy nếu làm ăn nghiêm chỉnh, không có gian lận thương mại, buôn lậu thì kinh doanh XD không phải là ngành có lợi nhuận cao nhưng lại là ngành kinh doanh có rủi ro rất lớn.

Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 17.000 cửa hàng, sản lượng tiêu thụ khoảng 14,5 triệu m3/năm thì bình quân mỗi cửa hàng chỉ tiêu thụ được khoảng 70 m3/tháng/cửa hàng. Trong đó, cửa hàng của “ông lớn” đã tiêu thụ khoảng 100-150 m3/tháng nên năng suất thực sự của nhiều cửa hàng nhỏ lẻ khác chỉ 30-50 m3/tháng. Trong khi đó, ở nhiều nước, mỗi cửa hàng đạt 300-400 m3/tháng. Do đó, tôi khẳng định, nếu làm ăn nghiêm chỉnh thì khó có lãi được bởi năng suất vô cùng thấp.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, trong 6 tháng đầu năm xu hướng thị trường tăng, hầu hết đơn vị kinh doanh XD đều có lãi nhưng 3 tháng 7-8-9 vừa qua, với diễn biến thị trường cực đoan như vậy thì lợi nhuận đã bị cào bằng, nếu không muốn nói là lỗ.

DN bán lẻ XD cần đàm phán với nhau về cơ chế chia sẻ lợi nhuận rõ ràng

DN bán lẻ XD cần đàm phán với nhau về cơ chế chia sẻ lợi nhuận rõ ràng

Xác lập giá trần để DN tự điều chỉnh

- Vậy ông có thấy lo lắng khi các cửa hàng XD nói “càng bán càng lỗ” và nếu tiếp tục kinh doanh như hiện nay thì việc phá sản chỉ là thời gian. Ngoài ra, còn có thể gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung cục bộ?

- Trước hết phải khẳng định, sản lượng tiêu thụ trong nước sẽ không tăng. Còn nói về việc khan hiếm nguồn cung thì chưa đúng. Bởi nguồn cung không suy giảm, chẳng qua là các đơn vị không thể đoán định được giá trên thị trường thế giới nên có tâm lý phòng ngừa, chủ yếu xảy ra với cửa hàng bán lẻ. Thường thì các chủ cửa hàng sẽ lo lắng đến việc vừa lấy đầy bồn mà mai “giá tụt” thì sẽ lỗ. Do đó, các cửa hàng bán lẻ không dám lấy nhiều (vì sợ lỗ tồn kho) chứ không có tình trạng khan hiếm.

Tình trạng kinh doanh XD hiện nay là quan hệ giữa DN với DN bởi khi DN đầu mối lỗ thì họ sẽ không còn có thể gồng gánh, chia sẻ lợi nhuận với thương nhân bán lẻ. Việc hiện nay là các DN cần ký hợp đồng đảm bảo với nhau ra sao, cần có sự lựa chọn, rõ ràng về hợp đồng. Các cửa hàng bán lẻ có quyền lựa chọn trong 33 đầu mối nhập khẩu và 400 thương nhân phân phối. Như vậy họ có sự lựa chọn rất rộng, do đó, họ cần tìm kiếm đối tác để hài hòa lợi ích đôi bên. Chẳng có cơ chế nào có thể điều chỉnh được trách nhiệm của DN với nhau.

- Ông đánh giá thế nào về việc điều hành giá của Liên Bộ hiện nay?

"Liên Bộ nên xác lập giá trần để đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với XD; Đồng thời cho phép DN tăng - giảm theo diễn biến thị trường, để tùy họ điều chỉnh theo diễn biến thị trường trong 1-2 ngày", ông Bùi Ngọc Bảo

- Tôi muốn khẳng định lại rằng, không có bất cứ một cơ chế nào có thể bao được diễn biến vô cùng phức tạp của thị trường như năm nay. Bởi vấn đề nằm ở phụ phí mua xăng dầu, như mặt hàng diesel, phụ phí lên đến 9-10 USD. Còn Liên Bộ cũng đã thực hiện tính giá trong nước theo đúng công thức. Ngoại trừ việc nhẽ ra trong tháng 7 vừa rồi, Liên Bộ phải điều chỉnh, tính đủ chi phí, phụ phí nhưng do yêu cầu kiểm soát lạm phát nên chưa tính đến.

- Cách nào để điều hành giá vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho sản xuất kinh doanh - tiêu dùng và các DN kinh doanh sẽ chấm dứt tình trạng “càng bán càng lỗ”, thưa ông?

- Năm nay là năm đầu tiên áp dụng Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh XD. Tuy Nghị định mới thực hiện được 9 tháng nhưng trước diễn biến thị trường hiện nay cần phải có đánh giá sự đánh giá rất kỹ về năm 2022 để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, muốn điều chỉnh để đảm bảo cùng lúc nhiều mục tiêu thì Liên Bộ nên xác lập giá trần để đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với XD; Đồng thời cho phép DN tăng - giảm theo diễn biến thị trường, để tùy họ điều chỉnh theo diễn biến thị trường trong 1-2 ngày, miễn là dưới giá trần thì lúc đấy mới không xảy ra tình trạng bị động như hiện nay. Và như vậy cũng có thể thích ứng được với sự biến đổi của thị trường nhanh nhất. Giá trần có thể quy định trong 10-15 ngày thậm chí 1 tháng miễn sao DN điều chỉnh giá dưới mức này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm