Ngày 08 tháng 11 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” trong đó một trong những nhiệm vụ mới của Học viện là đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Đây là chương trình nhằm đào tạo học viên có phẩm chất, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, công nhận Luật sư, góp phần tạo sự đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao.
Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Học viện Tư pháp là một mô hình mới, lần đầu tiên được triển khai tại Học viện Tư pháp. Từ năm 2018 đến nay, Học viện Tư pháp đã tổ chức được 05 khóa đào tạo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung được chú trọng trong nội dung chương trình đào tạo là đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Đây được coi là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
Đạo đức nghề nghiệp luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư – những người mà hoạt động nghề nghiệp của họ ảnh hưởng trực tiếp tới các quyền và lợi ích hợp pháp, tới “sinh mệnh pháp lý” của những người có liên quan.
Đối với Kiểm sát viên, về những phẩm chất cần có đối với Kiểm sát viên sinh thời Bác Hồ đã tặng ngành Kiểm sát 10 chữ vàng: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” Lời dạy của Bác Hồ chính là chuẩn mực đạo đức cách mạng, là phẩm chất cần có đối với công chức ngành Kiểm sát nói chung và đối với từng Kiểm sát viên nói riêng để phấn đấu rèn luyện, coi đó là phương châm giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ công chức cả về chính trị tư tưởng, về kiến thức pháp luật và về nghiệp vụ công tác kiểm sát. Tinh thần này cũng đã được thể hiện trong Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa phiên họp của tòa án ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20 tháng 02 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Về những phẩm chất cần có đối với Thẩm phán, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2 năm1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và khuyên dạy rằng: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư cho nhân dân noi theo”. Từ đó đến nay, phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” trong ngành Tòa án nhân dân đã tạo nên động lực mạnh mẽ, thúc đẩy cán bộ, công chức, nhân viên Tòa án các cấp nói chung, đối với Thẩm phán nói riêng khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Thể hiện tinh thần này, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia nhấn mạnh: Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. Đồng thời, Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ. Về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán, Bộ Quy tắc cũng nêu rõ: Thẩm phán phải có tính độc lập; sự liêm chính; sự vô tư, khách quan; công bằng, bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; đồng thời phải là người có năng lực và sự chuyên cần. Có thể nói, “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” đã và đang là kim chỉ nam cho hành động của mỗi Thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Đối với nghề luật sư, ngoài những điều kiện chung để trở thành luật sư theo quy định pháp luật, luật sư phải yêu nghề, có tâm huyết và đam mê nghề nghiệp; có những phẩm chất như trung thực, kiên nhẫn, tự tin, tôn trọng đồng nghiệp và phía đối trọng trong công việc, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ nghề nghiệp, có trách nhiệm trong công việc. Điều này đã được thể hiện trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc với những quy tắc cụ thể mà luật sư cần tuân thủ trong mối quan hệ với khách hàng, với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, với đồng nghiệp…
Nhận thức được yêu cầu về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp với mỗi chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, việc đào tạo nội dung này được đặc biệt chú trọng trong chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, thể hiện ở một số điểm như:
- Trong chương trình có 01 học phần (Nghề luật và môi trường nghề luật) đào tạo những vấn đề chung về nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư (gồm cả hoạt động học trên lớp và kiến tập tại các Tòa án, Viện kiểm sát, Văn phòng luật sư) trong đó có các bài học liên quan đến quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của từng chức danh. Trong các bài học này, học viên không chỉ được giới thiệu về nội dung các Bộ quy tắc đạo đức, ứng xử mà còn được tiếp cận với những tình huống, kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan tới chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
- Hoàn thiện hệ thống đề cương môn học, cung cấp nguồn tài liệu tham khảo cho học viên về các vấn đề liên quan tới đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
- Tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn hành nghề trong đó có nội dung chia sẻ liên quan tới việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, ứng xử chuẩn mực trong quá trình hành nghề.
- Lồng ghép nội dung liên quan tới đạo đức, ứng xử nghề nghiệp trong giảng dạy kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và chuyên sâu cho học viên liên quan tới cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, tư vấn pháp luật.
Thực tế đào tạo cho thấy những nội dung đào tạo về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luôn mang tính thực tiễn, sinh động, thu hút đối với học viên chứ không dừng lại ở những quy tắc mang tính chất cứng nhắc, chung chung. Qua quá trình học tập, học viên đã nắm vững các chuẩn mực đạo đức, ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, bước đầu làm quen với những tình huống có thể có xung đột về đạo đức nghề nghiệp trong thực tiễn. Từ đó, học viên có định hướng trau dồi, rèn luyện các phẩm chất cần có để theo đuổi con đường nghề nghiệp sau này. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn của định hướng tăng cường đào tạo về đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Để phát huy hơn nữa ưu thế này, phát huy kinh nghiệm đào tạo trong thời gian qua, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như:
- Tiếp tục rà soát chỉnh sửa chương trình chi tiết cho phù hợp hơn nữa với quy chế, quy định và đặc thù nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, nhấn mạnh nội dung đào tạo các phẩm chất cần có của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
- Hoàn thiện hệ thống tài liệu liên quan tới nội dung đào tạo về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của các chức danh như Giáo trình, hệ thống tình huống, các tài liệu tham khảo…phục vụ nghiên cứu và học tập.
- Tăng cường các hoạt động tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm hành nghề với sự tham gia của các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư giàu kinh nghiệm.
- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các cơ quan đơn vị có liên quan trong hoạt động đào tạo như Viện kiểm sát, Tòa án, tổ chức hành nghề luật sư, trại giam…để tạo cơ hội cho học viên tiếp xúc với thực tế nghề nghiệp thông qua các hoạt động kiến tập, thực tập từ đó giúp học viên nhận thức đầy đủ hơn về chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, phẩm chất đạo đức của từng chức danh cũng như tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, chúng tôi tin rằng chất lượng, hiệu quả đào tạo về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp cho học viên sẽ được nâng cao hơn nữa góp phần vào thành công của mô hình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Học viện Tư pháp.