Chú trọng phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

(PLVN) -  Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có sai phạm trong lĩnh vực đất đai. Do vậy, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai; tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Loạt cán bộ tỉnh Thái Nguyên bị kỷ luật vì đất đai, tài nguyên

Tại Kỳ họp thứ 24 diễn ra trong các ngày 20 và 21/12 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, UBKT Trung ương nhận thấy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh, một số sở, ngành, UBND huyện, TP, thị xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công, quản lý khu công nghiệp, các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; một số cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, một số nội dung khó khắc phục; gây bức xúc trong dư luận; làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định cảnh cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và các ông Dương Ngọc Long, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Nhữ Văn Tâm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Văn Tuấn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

UBKT Trung ương cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Khiển trách các ông Nguyễn Khắc Lâm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Quang Tiến, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính; Hoàng Đức Khánh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng; Hoàng Thái Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Sông Công, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phan Thanh Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông: Nguyễn Thanh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Ngô Quyết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên.

Cũng tại Kỳ họp, xem xét kết quả giám sát, UBKT Trung ương nhận thấy bên cạnh những ưu điểm, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện các nguyên tắc và quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong tham mưu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; trong thực hiện một số dự án đầu tư công và trong công tác kiểm tra, thanh tra. UBKT Trung ương yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là nguồn lực to lớn của đất nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đất đai cũng là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng. Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng đất đai đã bị phát hiện và đưa ra xét xử. Thẩm tra Báo cáo phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho hay, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán... Bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực này.

Tăng cường thực thi pháp luật đất đai

Thảo luận ở hội trường QH tại Kỳ họp thứ 4, đề cập đến công tác PCTN, Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến PCTN trong lĩnh vực đất đai; cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. “Những người vi phạm pháp luật đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội”, Đại biểu nói. Theo Đại biểu, việc theo đuổi lợi ích rất lớn thu được từ đất đai của các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhu cầu thu ngân sách và sự cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế của chính quyền địa phương được coi là yếu tố chính thúc đẩy việc vi phạm pháp luật đất đai. “Thông qua việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, các tổ chức, cá nhân sai phạm có thể thu được những lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội mà thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy”, Đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn.

Phân tích về vấn đề này, Đại biểu cho rằng, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách họ xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó. Một khi họ tin rằng lợi ích mong đợi của việc sử dụng đất bất hợp pháp cao hơn chi phí và hậu quả họ phải trả thì với tư cách là người kinh doanh họ sẽ quyết định vi phạm pháp luật. Do đó, Đại biểu Lê Thanh Hoàn khẳng định, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng đến những chi phí, hậu quả khi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật phải bỏ ra và gánh chịu.

Đại biểu nhấn mạnh, khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật đất đai tăng lên thì khả năng bị điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên, khi đó thiệt hại và hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật sẽ rất lớn, vượt quá lợi ích thu được. “Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại nếu chúng ta thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian tới sẽ giảm”, Đại biểu nêu ý kiến. Cùng với đó, Đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét việc thành lập các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia theo vùng trực thuộc cơ quan Trung ương đóng tại địa phương.

Thảo luận về về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tại Kỳ họp, Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm, phức tạp; trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí. “Thực tế đã xảy ra các vi phạm ở nhiều địa phương mà các cơ quan chức năng hiện đang xử lý. Do đó, nếu không tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách sẽ ảnh hưởng đến công tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung”, Đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Thị Kiều chỉ rõ một số tồn tại như việc triển khai một số quy định, thủ tục trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đất nước, khoáng sản còn chậm; công tác quản lý tài nguyên của một số địa phương còn lỏng lẻo; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm chưa triệt để dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí… Để khắc phục, Đại biểu đề nghị tăng cường thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào một số nội dung, lĩnh vực như quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế… Cùng với đó, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với chế tài đủ mạnh để cảnh tỉnh và đủ sức răn đe làm hành lang pháp lý nhằm chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của đất nước từ sớm, từ xa, nhất là đội ngũ cán bộ.

Đọc thêm