Chữa bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ dưới 6 tuổi vì tầm vóc Việt

(PLVN) - Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng toàn Việt Nam với độ bao phủ 15% là 42,6 tỷ đồng chỉ chiếm 0,8% quỹ Bảo hiểm y tế dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, loại bệnh này chưa được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh nên trẻ em không may mắc bệnh rất thiệt thòi, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, nhất là trẻ bị bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. (Ảnh minh họa)

Dưới sự chủ trì của Phó Tổng Biên tập Nguyễn Quốc Thắng, Báo Đại biểu nhân dân vừa phối hợp với Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)”. 

GS. TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng ước tính số tiền cần cho điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng toàn Việt Nam với độ bao phủ 15% là 42,6 tỷ đồng chỉ chiếm 0,8% quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy dinh dưỡng là mối đe dọa đơn lẻ nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo đó, có đến 45% trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do suy dinh dưỡng gây ra.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 232.000 trẻ dưới 5 tuổi (5,8%) bị suy dinh dưỡng gày còm thể vừa hoặc nặng, thường được gọi là suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Thể trạng nguy hiểm nhất của suy dinh dưỡng cấp tính nặng là gày gò teo đét (Marasmus) hoặc phù nề (Kwashiorkor) rõ rệt. 

Nếu không được điều trị, những trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nặng này sẽ đi đến tử vong.

Chi phí chăm sóc và điều trị 50% số trẻ suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ 6-59 tháng tuổi ở 10 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất chỉ tương đương 0,42%-0.84% ngân sách BHYT đóng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chi phí chăm sóc và điều trị 50% số trẻ suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ 6-59 tháng tuổi vùng dân tộc thiểu số tương đương 0,52%-1,04% ngân sách BHYT đóng góp cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên, việc điều trị bệnh này chưa được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh mặc dù quản lý suy dinh dưỡng cấp tính nặng đã được thực hiện ở Việt Nam từ năm 2009. 

Ban đầu, UNICEF đã hỗ trợ triển khai thành công mô hình can thiệp mẫu ở Kon Tum. Sau đó, tới năm 2016, mô hình được mở rộng trên 22 tỉnh thành với nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế khác. 

Nhưng độ bao phủ của can thiệp này còn rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng được 10% các ca suy dinh dưỡng cấp tính nặng trên toàn quốc. Hậu quả là, đa số các ca suy dinh dưỡng cấp tính nặng trẻ em (tới 90%) vẫn chưa được điều trị và có nguy cơ bị thấp còi, mắc bệnh mãn tính hoặc tử vong. 

Do đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy, cần phải thiết lập một cơ chế tài chính cho suy dinh dưỡng cấp tính nặng như đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về khám và chữa bệnh cấp tính nặng cho trẻ em như là một can thiệp chiến lược để giảm tỷ lệ thấp còi và tử vong ở trẻ em, từ đó cải thiện trí tuệ, tầm vóc và sự phát triển của nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai. 

Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã chia sẻ những giải pháp phòng ngừa và khắc phục suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em, có các giải pháp can thiệp phòng chống, mong muốn xem đây là vấn đề cấp thiết phải giải quyết vì sức khỏe và tầm vóc Việt. 

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Nguyễn Quốc Thắng hy vọng, qua tọa đàm, các đại biểu Quốc hội có đủ thông tin, bằng chứng khoa học và tự tin bấm nút thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định khám và chữa bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em với cơ chế chi trả bền vững.

Đọc thêm