Chưa khẳng định có hay không 18.000 lít dầu DO trên tàu hàng chìm ở biển Quảng Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo các thuyền viên tàu hàng An Bình Phát 68, khi tàu gặp nạn, chìm ở vùng biển Quảng Nam thì trên tàu có 18.000 lít dầu DO. Tuy nhiên, Đại tá Trần Tiến Hiền cho hay, việc 18.000 lít dầu DO trên tàu hàng An Bình Phát 68 là thuyền trưởng khai báo như vậy, chứ không thể khẳng định được là có đúng hay không.

Ngày 30/10, liên quan đến vụ tàu hàng An Bình Phát 68 chở theo 4.000 tấn đá bột gặp nạn chìm trên vùng biển Quảng Nam, Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam thông tin, đã nhận được báo cáo từ Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khu vực miền Trung (gọi tắt Trung tâm SOS môi trường) về công tác hút dầu và ứng phó sự cố tràn dầu trên tàu.

Theo báo cáo, sau khi xác định được vị trí của tàu bị chìm, ngày 01/10 và ngày 08/10, Trung tâm SOS môi trường đã tiến hành ra khảo sát hút dầu và ứng phó sự cố tràn dầu dưới sự giám sát của biên phòng, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên không triển khai được.

Lực lượng chức năng quây phao để ngăn ngừa dầu từ tàu hàng An Bình Phát 68 tràn ra môi trường. (Ảnh: HX)

Lực lượng chức năng quây phao để ngăn ngừa dầu từ tàu hàng An Bình Phát 68 tràn ra môi trường. (Ảnh: HX)

Đến ngày 17/10, khi thời tiết thuận lợi, Trung tâm SOS môi trường cùng Công ty XNK Ngọc Hoa dưới sự giám sát của Đồn biên phòng Cửa Đại đã tiến hành hút dầu trên tàu An Bình Phát 68. Tuy nhiên, khi đội thợ lặn xuống tàu lắp ống vào các két chứa dầu chạy, két dự phòng đưa đầu ống nổi lên mặt nước, rồi tiến hành bơm đẩy nước xuống két dầu để kiểm tra lượng dầu và tiến hành bơm hút thì phát hiện không còn dầu trong các két chạy, két dự phòng. Để đảm bảo chắc chắn Trung tâm SOS môi trường tiếp tục cho thợ lặn độc lập kiểm tra, giám sát thì xác nhận không còn dầu trong khoang tàu.

Theo Trung tâm SOS môi trường, mọi quá trình đều được thực hiện tuân thủ đúng theo phương án được phê duyệt, đúng quy định và theo hợp đồng đã ký. Các bên tham gia, giám sát, giám định... cùng có mặt để chứng kiến công việc. Tất cả nhất trí và ký vào biên bản, đồng ý nghiệm thu các công việc.

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, trước đó, vào lúc 13h40 ngày 18/9, tàu hàng An Bình Phát 68 chở 4.000 tấn đá bột từ Thanh Hóa đi Quảng Ngãi. Khi cách bờ biển xã Bình Hải (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khoảng 4,5 hải lý về hướng đông, tàu bị sóng đánh làm nghiêng 45 độ và chìm sau đó, trên tàu lúc này có 8 thuyền viên. Khi tàu gặp nạn và chìm, các thuyền viên lên bè cứu sinh và gọi cứu nạn khẩn cấp. Thời tiết tại khu vực tàu gặp nạn có gió cấp 6, giật cấp 8, biển động mạnh.

Thợ lặn lặn kiểm tra xem 18.000 lít dầu DO có trong khoang tàu hàng An Bình Phát 68 hay không nhưng không phát hiện được gì. (Ảnh: HX)

Thợ lặn lặn kiểm tra xem 18.000 lít dầu DO có trong khoang tàu hàng An Bình Phát 68 hay không nhưng không phát hiện được gì. (Ảnh: HX)

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin cứu nạn khẩn cấp, Vùng Cảnh sát biển 2 điều động tàu CSB 2016 và CSB 601 ra vị trí tàu gặp nạn để ứng cứu. Đến 16h cùng ngày, tàu của Vùng Cảnh sát biển 2 cứu được 8 thuyền viên gặp nạn trên tàu hàng An Bình Phát 68.

Cung cấp thông tin cho Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam, thuyền trưởng tàu hàng An Bình Phát 68 nói có khoảng 18.000 lít dầu DO, 170 lít dầu FO nằm trong các khoang chứa. Để ngăn ngừa sự cố tràn dầu ra biển, ngày 20/9 Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam gửi thông báo đến các cơ quan liên quan. Đồng thời, đề nghị Công ty TNHH thương mại và vận tải An Bình Phát khẩn trương xây dựng phương án thu gom số nhiên liệu còn lại trên tàu; ký kết hợp đồng với đơn vị đủ năng lực để ứng phó sự cố tràn dầu, ngăn ngừa sự cố môi trường.

Về sự việc này, Đại tá Trần Tiến Hiền cho hay, việc 18.000 lít dầu DO trên tàu hàng An Bình Phát 68 là thuyền trưởng khai báo như vậy, chứ không thể khẳng định được là có đúng hay không. Bởi, sau nhiều tháng tàu chìm trên biển, khi BĐBP tỉnh ra kiểm tra thì lại không đúng như họ khai báo.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước quan trắc 4 điểm xung quanh khu vực tàu chìm. (Ảnh: HX).

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước quan trắc 4 điểm xung quanh khu vực tàu chìm. (Ảnh: HX).

“Lúc định vị được xác tàu chìm, đơn vị đã cử người ra giám sát, lặn xuống mở khoang tàu ra quay phim, chụp ảnh lại thì không có dầu. Khi tàu gặp nạn bị chìm trên vùng biển Quảng Nam thì việc định vị xác tàu đã khó rồi, chứ nói gì đến việc có người hút trộm dầu”, Đại tá Hiền nói.

Về việc nói 18.000 lít dầu DO “mất tích bí ẩn”, Đại tá Hiền nhận định rằng là không đúng, bởi có thể thời gian dài tàu chìm trên biển dẫn đến số lượng dầu này bị rò rỉ rồi mất dần.

“Qua giám sát khu vực gần xác tàu thì không phát hiện được váng dầu. Trong trường hợp dầu rò rỉ từ từ, mỗi lần một ít nên không thể phát hiện váng dầu được. Hiện chúng tôi cũng đã có báo cáo về việc này cho các cấp, còn việc trục vớt xác tàu như thế nào là do chủ tàu với đơn vị bảo hiểm”, Đại tá Hiền thông tin.