Chưa tìm ra độc chất trên bệnh nhân chết sau gây mê tại bệnh viện Trí Đức

(PLO) - Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội qua kiểm tra ban đầu tại Bệnh viện Trí Đức sau khi xảy ra vụ 2 bệnh nhân tử vong, số lô thuốc này đều là những loại thuốc thông thường sử dụng trong tiền gây mê và lô thuốc này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Sáng nay (26/12), Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vụ 2 bệnh nhân tử vong sau khi gây mê tại Bệnh viện Đa Khoa Trí Đức, (đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) .

Tại buổi họp báo, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Chưa xác định được nguyên nhân tử vong, phải chờ vào kết quả từ cơ quan pháp Y và Công an quận Hai Bà Trưng. Các bác sĩ tại bệnh viện Trí Đức và Bệnh viện Bạch Mai đều tiên lượng bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ. 

 “Hiện tại công an đã niêm phong thuốc đã dùng cho bệnh nhân cũng như toàn bộ thuốc tại bệnh viện. Kết quả chính thức phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra. Ngày hôm qua có hai ca phẫu thuật và ngay sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc đã dừng ngay các hoạt động thủ thuật và phẫu thuật”, bà Hà cho biết.

Cũng theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân đều giống nhau, chỉ khác nhau về số lượng do phụ thuộc vào cân nặng của từng bệnh nhân. Các loại thuốc này đều là những thuốc thông thường được sử dụng tiền mê trong các cơ sở khám chữa bệnh.

“Ngay sau khi xảy ra sự việc, bộ phận chuyên môn của Sở Y tế đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại bệnh viện tất cả đều đảm bảo được điều kiện, độ ẩm, nhiệt độ bảo quản. Kiểm tra hồ sơ thực tế, hồ sơ nhất là quy trình gây mê hồi sức của bệnh viện, bước đầu cho thấy quy trình được thực hiện đúng. Hiện tại tất cả thuốc sử dụng đã được niêm phong thành lập hội đồng chuyên môn của ngành để đánh giá”, bà Hà nêu rõ.

Bà Hà cũng cho biết thêm: “Về hồ sơ bệnh án công an niêm phong, lô thuốc này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến. Cơ quan pháp y cho biết khoảng 4 tuần nũa mới có kết quả pháp y vì việc tìm ra độc chất trên cơ thể nạn nhân mất rất nhiều thời gian”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm: "Chị Bùi Kim Oanh – SN 1992, bằng cấp là điều dưỡng viên, có chứng chỉ hành nghề là kỹ thuật viên dụng cụ mổ. Chị Phạm Thị Hương – SN 1991, bằng cấp điều dưỡng viên có chứng nhận điều dưỡng gây mê.

Tại thời điểm kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc nghiêm túc và minh bạch trong nội dung này, đối chiếu báo cáo nhân lực chưa thấy có tên hai cán bộ y tế đó trong danh sách báo cáo Sở. Sở cũng báo cáo nghiêm túc với Bộ Y tế và UBND Thành phố."

Bà Hà khẳng định: "Đây là hai người không thực hiện kỹ thuật trực tiếp cho bệnh nhân. Chị Oanh làm nhiệm vụ rửa dụng cụ. Hai người này có hợp đồng thử việc với bệnh viện và họ đều xuất trình được bằng nhân viên y tế là điều dưỡng viên."

Đọc thêm