Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã sẵn sàng. Thời gian từ nay đến ngày bầu cử còn rất ngắn, để bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn và thành công tốt đẹp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội nghị nhằm mục đích tổng rà soát toàn bộ các nhiệm vụ cho bầu cử, kịp thời lắng nghe và xử lý các vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các tổ chức, cơ quan hữu quan nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất, đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử, để sự kiện chính trị trọng đại của đất nước được diễn ra theo đúng kế hoạch, thực sự là ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân và thực sự thành công tốt đẹp.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác chuẩn bị bầu cử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết phiên họp Chính phủ, Chỉ thị, đồng thời phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng thời đã chỉ đạo các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm đúng tiến độ, đúng nội dung, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp của Chính phủ và Thường trực Chính phủ, kịp thời đưa vào các Nghị quyết của Chính phủ hoặc các kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử đúng quy định của pháp luật, đồng bộ với các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Các bộ, ngành theo trách nhiệm được giao, đã ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện công tác bầu cử và tuyên truyền về bầu cử, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ công tác bầu cử; xây dựng kịch bản trong các tình huống phát sinh dịch bệnh COVID-19; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết những vướng mắc, khó khăn của địa phương về các nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về bầu cử.
Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, nhất là các địa phương đã hoặc đang có nguy cơ phát sinh dịch COVID-19; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia ở nhiều địa phương trên cả nước; tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí kinh phí bầu cử; xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác y tế phục vụ bầu cử; xây dựng kế hoạch chi tiết các phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, chỉ đạo các địa phương trong công tác bầu cử.
Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức tiếp công dân, bảo đảm an ninh trật tự phục vụ cuộc bầu cử; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết dứt diểm các vụ khiếu kiện bức xúc, kéo dài để tránh ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.
Về kết quả triển khai chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn. Tại các địa phương, UBND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban bầu cử cùng cấp để triển khai thực hiện chuẩn bị công tác bầu cử trên địa bàn; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống dịch và các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cuộc bầu cử.
Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đã được thành lập đúng, đủ theo quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.
UBND cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong triển khai bầu cử tại các địa phương, căn cứ các văn bản của Hội đồng bầu cử quốc gia, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, các bộ ngành liên quan, các bệnh viện tuyến Trung ương, các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản với những phương án cụ thể và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau ngày bầu cử.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc, trong đó nổi lên là việc thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri có biến động nhiều do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến; cử tri ở các khu công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trường dậy nghề về nơi cư trú.
Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử tại một số địa phương, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có cơ sở hạ tầng hạn chế nên còn gặp nhiều trở ngại. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường ở một số địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tại nơi có vùng dịch.
Từ nay đến ngày bầu cử 23/5 không còn nhiều thời gian, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thành công, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát để triển khai thực hiện đầy đủ các công việc chuẩn bị bầu cử, kiểm tra lại các phương án bầu cử theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng Kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia.