Chuẩn bị triển khai chế độ tiền lương mới

(PLVN) - Quý III và Quý IV năm 2020, các cơ quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới. Đến năm 2021 sẽ triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ vừa có Báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đang hoàn thiện báo cáo về thang bảng lương

Theo đó, đối với việc cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng (tăng thêm 7,38%) từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. 

Đồng thời, trình Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,5% từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước.

Các Bộ, cơ quan Trung ương được phân công nhiệm vụ tại Nghị quyết số 107/NQ-CP đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cải cách chính sách tiền lương và xây dựng kế hoạch triển khai việc thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp  theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

Đến nay, các Bộ, cơ quan Trung ương đang hoàn thiện báo cáo chính thức về đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW đến Bộ Nội vụ để tổng hợp.

Trên cơ sở các đề xuất của Bộ, cơ quan, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, cân đối chung để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Nội vụ cho biết, Quý I và Quý II năm 2020, các Bộ, cơ quan Trung ương sẽ hoàn thiện báo cáo chính thức về đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW đến Bộ Nội vụ để tổng hợp.

Bộ Tài chính tính toán khả năng cân đối nguồn lực trong tổng thể; rà soát, thống kê, đánh giá nguồn dư cải cách tiền lương của các Bộ, địa phương, nguồn tăng thu qua các năm. Trên cơ sở đó Thường trực Tổ Biên tập hoàn chỉnh báo cáo về xây dựng cụ thể chế độ tiền lương mới. 

Ban Tổ chức Trung ương khẩn trương xây dựng Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến Ban chấp hành Trung ương (Hội nghị Trung ương 12 khóa XII) để làm căn cứ xây dựng bảng lương chức vụ.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban cán sự đảng Chính phủ về quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên cơ sở Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị đã được Bộ Chính trị thông qua (do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì), phù hợp với phương án quỹ tiền lương do Bộ Tài chính tính toán.

Quý III và Quý IV năm 2020, các cơ quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới. Dự kiến Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức khu vực Đảng, đoàn thể;

Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; các Bộ ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện. Đến năm 2021 sẽ triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới.

Tinh giản biên chế 50.547 người

Về cải cách tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2019, ngành Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm bớt những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với thực hiện các chính sách tinh giản biên chế.

Đến nay, có 54/63 cấp tỉnh thực hiện việc sáp nhập các trung tâm y tế có cùng chức năng để thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật; 437/713 cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế.

Năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm so với năm 2015 (khối Chính phủ quản lý) tại 63/63 địa phương giảm 4,26%; tại 20/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20/12/2019, đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người. 

Đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức năm 2020, với tổng biên chế là 253.517 người, giảm 8.68% so với năm 2015. 

Bộ Nội vụ đã thẩm định biên chế sự nghiệp của 63 tỉnh, 20/22 bộ, cơ quan và 08 cơ quan thuộc Chính phủ, với tổng biên chế sự nghiệp bộ, ngành Trung ương là 143.943 người (giảm 11,85%) và địa phương là 1.750.081 (giảm 4,26%) so với năm 2015.

Tuy nhiên, trong công tác cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn thừa nhận tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. 

Một số địa phương công khai số liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên phần mềm còn chưa đúng so với kết quả kiểm tra thực tế. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như: đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trọng tâm vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy và thể chế về môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử. 

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định TTHC; thường xuyên rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các quy định TTHC không phù hợp; thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn.

Đọc thêm