Chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó với sự cố

(PLVN) - Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng thủ dân sự chiều nay - 24/5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng; đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ phòng thủ dân sự.

2 phương án xin ý kiến

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về Quỹ phòng thủ dân sự (PTDS), trên cơ sở ý kiến, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn đại biểu QH, các cơ quan của QH và các đại biểu QH tại Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Cụ thể, phương án 1, giữ quy định về Quỹ PTDS như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật.

Bởi, hoạt động PTDS có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.

Đồng thời, Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời.

Thêm vào đó, hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Thực tiễn cho thấy, nếu có Quỹ PTDS sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.

Phương án 2 quy định: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ PTDS theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Bởi, hàng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí bao gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi như dự thảo Luật, trong khi Quỹ PTDS chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan soạn thảo dự án Luật và cơ quan chủ trì thẩm tra tán thành với phương án 1, đề nghị giữ như quy định của dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung.

Phát biểu tại phiên họp, về Quỹ PTDS, đại biểu Chau Chắc (đoàn An Giang) bày tỏ thống nhất đối với phương án 1.

Lý giải, đại biểu cho rằng, hoạt động PTDS có phạm vi rất rộng, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng trong đời sống xã hội như trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế của quốc dân…

“Những hoạt động PTDS như nêu trên diễn ra với không gian rất rộng, thời gian diễn ra rất nhanh, tính chất, mức độ, cấp độ khác nhau rất phức tạp liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tổ chức, của nhà nước và môi trường của đất nước, như khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh như trong phòng, chống bão lũ, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, thực tiễn trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... việc chuẩn bị lực lượng dự bị tốt, công tác hậu phương tốt luôn chủ động trong mọi tình huống, không bị động, bất ngờ sẽ giành thắng lợi cao và ngược lại.

Do đó, việc thành lập Quỹ PTDS sẽ tạo ra nguồn lực lớn, góp phần giúp ngân sách nhà nước khi thiếu hoặc không kịp thời để khắc phục thảm họa sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường của quốc gia.

“PTDS là một bộ phận của phòng thủ đất nước. Nếu Quỹ này được QH thông qua sẽ góp phần cho PTDS của đất nước hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị, đó là PTDS phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh”, đại biểu nói thêm.

Đảm bảo nguyên tắc chuẩn bị từ sớm, từ xa

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, tên của dự thảo luật là Luật PTDS cũng như tại khoản 4 Điều 3 về nguyên tắc hoạt động PTDS quy định "PTDS phải chuẩn bị từ sớm, từ xa" đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra.

“Theo tôi, chúng ta không thể để “nước đến chân” rồi nhảy không kịp”, đại biểu nói và bày tỏ ủng hộ phương án 1. Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu quản lý đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn Đắk Lắk) lại đồng ý với phương án thứ 2, theo đó đề nghị cân nhắc về sự cần thiết, tính khả thi của việc thành lập Quỹ PTDS.

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu tại phiên họp, về Quỹ PTDS, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh COVID-19 vừa qua và cho rằng, nếu không có lực lượng cũng như nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn thì sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.

Theo đó, khi dịch COVID-19 xảy ra ở TP Hồ Chí Minh và và một số tỉnh phía Nam, Quân đội cùng các lực lượng vũ trang, lực lượng y tế được giao tham gia giúp các vùng bùng phát dịch mạnh, ngoài khả năng chống chịu của các vùng đó.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH.

Lực lượng Quân đội đã thành lập được 16 bệnh viện từ 500 - 1.000 giường ở các tỉnh; tham gia vận chuyển vaccine phòng COVID-19 đến mọi miền; dùng xe cơ động sản xuất oxy cho người dân...

Nhấn mạnh nếu không có lực lượng, không có nguồn lực thì không thể thực hiện được việc này, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, cần có lực lượng dự bị cũng như vốn, quỹ, khi xảy ra rồi thì không thể thực hiện được.

Từ đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng; đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ Phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, bảo đảm Quỹ hoạt động hiệu quả, đúng mục đích.

“Thành lập ra, chúng tôi cũng đã tính đến chuyện làm sao không tăng biên chế, giao cho Bộ Tài chính quản lý như quản lý Quỹ vaccine, khi cần Thủ tướng quyết ngay. Còn lực lượng nào sử dụng do Thủ tướng điều hành”, Bộ trưởng nói.

Đọc thêm