Nông sản chủ yếu xuất theo hình thức… đi chợ
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, giảm 15,2% so với năm 2019 (và chỉ hoàn thành 70,3% kế hoạch). Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 1,16 tỷ USD, giảm 26,9% (hoàn thành 68,2% kế hoạch). Các loại hình khác (tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện XNK tại các cửa khẩu khác) đạt khoảng 1,5 tỷ USD (giảm 1,4% so với năm 2019).
Số liệu của Sở Công Thương Lạng Sơn cho thấy, tổng kim ngạch XNK qua địa bàn năm 2020 đạt 2,9 tỷ USD, giảm 37,5% so với năm 2019 (đạt 54% kế hoạch). Trong đó, kim ngạch XK đạt 1,2 tỷ USD, giảm 52,2% so với năm 2019 (đạt 37,9% kế hoạch). Có 6/12 cửa khẩu ở Lạng Sơn đã hoạt động trở lại tuy nhiên, thời gian thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam và Na Hình (những cửa khẩu XK nông sản) còn hạn chế, chưa được khôi phục như trước.
Theo Bộ Công Thương, ngoài nguyên nhân (do dịch Covid-19) được nhắc đến đầu tiên khiến kim ngạch XK sang Trung Quốc giảm thì một nguyên nhân khác được kể đến là do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm sau các biến động kinh tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng chính quy, nề nếp trên cơ sở các quy định, chính sách đã ban hành với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu (NK) nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ và khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc lại chủ yếu theo hình thức “đi chợ” (tức thương nhân bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc mà ồ ạt chở hàng lên biên giới khi vào vụ), khiến năng lực thông quan nhất thời không đáp ứng, gây ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và gây áp lực cho công tác quản lý.
Sự việc ùn tắc cửa khẩu đã diễn ra trong nhiều năm nay. Mặc dù Bộ Công Thương và UBND các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc trong thời gian qua đã liên tục đẩy mạnh công tác thông tin, khuyến cáo, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về vấn đề này cho các cơ quan, địa phương và các doanh nghiệp nhưng tình hình chưa có nhiều cải thiện rõ rệt. Nỗi lo về ùn tắc lại được nhắc đến khi một số loại nông sản của Việt Nam chuẩn bị vào kỳ thu hoạch.
Vận động bổ sung các cửa khẩu cho phép nhập khẩu
Trong một cuộc họp nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ở Lào Cai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương biên giới phía Bắc để triển khai các giải pháp như trao đổi, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại...
Bên cạnh đó, Bộ sẽ vận động phía Trung Quốc sớm xem xét bổ sung thêm các cửa khẩu được phép NK trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, đặc biệt qua các tuyến vận tải đường sắt - là phương thức vận chuyển mà 2 nước đang thống nhất thúc đẩy phát triển trong thời gian tới; Đồng thời tăng cường các chuyến tàu hàng chuyên dụng NK nông sản của Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của mỗi bên.
Ngoài ra, 2 bên sẽ phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, phổ biến và định hướng các doanh nghiệp hai nước tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và sử dụng hình thức thương mại điện tử để thúc đẩy XK. Việc vận động các đối tượng tham gia giao dịch thay đổi tập quán kinh doanh theo hướng chủ động ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện đúng các yêu cầu hiện hành của 2 nước về NK nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại cũng sẽ được triển khai sớm.
Tuy nhiên, trước mắt, để tránh xảy ra chuyện ùn ứ ở cửa khẩu, thứ trưởng Khánh cho rằng, UBND các tỉnh biên giới cần chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục cập nhật, đưa thông tin thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là khi Chính quyền phía bạn có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, XNK hàng hóa; kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.