Không để bệnh nhân chỉ đến viện khi đã quá nặng
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Gia Lai, hầu hết bệnh nhân đều đến viện khi đã suy kiệt hoặc ngất xỉu. Và khi đến viện bệnh nhân mới biết mình đã mắc bệnh lao. Đặc biệt, sau hai năm căng thẳng bởi COVID-19, bệnh nhân đã không được điều trị đầy đủ. Có trường hợp đến viện khi đã quá yếu và kháng thuốc…
Thực tế cho thấy, lâu nay những người bị lao vẫn luôn mang mặc cảm, sự tự ti nên đa phần có ý giấu bệnh. Đồng thời, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 càng nhiều bệnh nhân lao chần chừ không đi khám và điều trị. Việc này đồng nghĩa với việc gia tăng số bệnh nhân tử vong do lao cũng như làm gia tăng số người mới mắc bệnh lao.
Đánh giá của của chuyên gia y tế cho thấy, trong đại dịch COVID-19, công tác chống lao tại Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị cho bệnh nhân, nhất là khi bước vào làn sóng dịch thứ tư. Trong đó, lịch hẹn tái khám dài hơn, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm mạnh. Đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám giảm tới 50-70% ở nhiều nơi.
Bác sĩ Mai Minh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai cho biết: Bình quân mỗi năm, Gia Lai phát hiện khoảng 670 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi; tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể trung bình là 44/100.000 dân. Xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm. Đặc biệt, năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc triển khai các hoạt động phòng-chống lao còn nhiều hạn chế, không triển khai khám phát hiện chủ động, bệnh nhân ngại đi khám bệnh nên toàn tỉnh chỉ phát hiện 500 trường hợp lao các thể, đạt 66,1% so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao các thể tại Gia Lai đạt 93%.
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo báo cáo của WHO năm 2020 có hơn 172.000 người mắc bệnh lao và có 10.400 người tử vong vì căn bệnh này, trong đó, 63% bệnh nhân lao tử vong chỉ bị lao thường.
Trong những năm qua chương trình Chống lao Quốc gia đã rất nỗ lực và công tác chống lao và thu được những thành tựu nhất định. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và sốt rét, Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) là đơn vị chủ trì dự án đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ tổ chức và huy động cộng đồng người dân tham gia tại các tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có tỉnh Gia Lai trong phòng, chống bệnh lao và Sốt rét.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến và phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết: Qua đi thực địa tại Gia Lai, chúng tôi nhận thấy công tác phòng- chống lao còn gặp rất nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng; nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn… Vì vậy, người dân chưa chủ động trong việc sàng lọc, khám-chữa bệnh lao. Trong khi đó, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nên rất dễ làm lây lan trong cộng đồng.
Với mong muốn chung tay trong công tác phòng- chống lao tại Gia Lai, năm 2021, SCDI đã hỗ trợ 5.000 suất ăn và 200 thùng sữa để góp phần nâng cao thể trạng cho bệnh nhân lao trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chương trình đã bị gián đoạn. Do đó, năm 2022, SCDI đã phối hợp với Chương trình chống lao của Gia Lai triển khai khám sàng lọc chủ động bệnh lao trong cộng đồng.
BHYT- chia sẻ gánh nặng với bệnh nhân lao
Bác sỹ Mai Minh Hiền cho biết, dự án phòng chống lao dựa vào cộng đồng tại Gia Lai được thực hiện tại 22 xã thuộc 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông. Trong đó, huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện; Huyện Chư Prông thực hiện tại 4 xã: Ia Puch, Ia Mơ, Ia Pior, Ia Lâu và Huyện Đức Cơ gồm 4 xã: Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Kriêng, Ia Dom.
|
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống lao đã phát hiện được 48.056 ca bệnh, cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó. |
Tại các điểm khám người dân đều được thực hiện chụp X-Quang phổi ngay tại xe y tế lưu động. Kết quả sẽ được thông báo nhanh, những người có tổn thương phổi trên phim X-Quang được chỉ định lấy mẫu đờm đem về Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử Gene Xpert để chẩn đoán xác định bệnh lao. Các bệnh nhân lao phát hiện qua khám sàng lọc đều được lập hồ sơ đưa vào quản lý và điều trị ngay theo hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia. Bên cạnh việc khám sàng lọc chủ động, cán bộ y tế còn tư vấn cho người dân nhận biết các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng, chống lao tại cộng đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống lao đã phát hiện được 48.056 ca bệnh, cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó. Có đến 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí vượt quá 20% thu nhập hàng năm của gia đình cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Trung bình một người mắc lao sẽ mất đi từ 3-4 tháng lao động. Sự nghèo khó lại càng đưa người bệnh lao vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật…
Theo bác sỹ Mai Minh Hiền, thông thường đối với bệnh nhân lao phác đồ điều trị từ 1 đến 3, sau khi điều trị liều tấn công ở bệnh viện đã ổn, bệnh nhân được ra viện và về nhà tiếp tục điều trị, tuy nhiên nhiều bệnh nhân thấy điều trị tại viện đã đỡ, ngỡ mình khỏi nên không tuân thủ điều trị theo phác đồ, bỏ dở điều trị hoặc quên không dùng thuốc theo hướng dẫn…Việc này rất nguy hiểm vì nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng cũng như có dẫn đến lao kháng thuốc…
Nếu người bệnh mắc lao không điều trị đúng thuốc, đủ thời gian có thể dẫn đến lao kháng thuốc. So với việc điều trị lao thông thường, lao kháng thuốc sẽ tốn chi phí gấp hàng chục lần.
Trong khi đó, con số thống kê cho biết, ước tính có khoảng 70% bệnh nhân lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), việc theo điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, BHYT sẽ đảm bảo cho người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị.
|
Được biết, với việc Quỹ BHYT thanh toán thuốc điều trị lao cho bệnh nhân đã giúp người bệnh duy trì phác đồ điều trị mà không phải chi trả bất kỳ phí dịch vụ nào. Đơn cử, tại xã Đất Bằng, huyện Krongpa, nơi tỷ lệ mắc bệnh lao đứng thứ hai sau Pleiku, Lê Mo Toai (75 tuổi) và ông La O Dốc ( 72 tuổi) đều chỉ biết bản thân bị mắc bệnh lao sau đợt khám sàng lọc vừa qua. Các ông cho biết, nhờ có thẻ bảo hiểm mà các ông được khám chữa bệnh, lấy thuốc đầy đủ. Chứ Đất Bằng với đặc thù xã xa nhất và vùng khó của Gia Lai, nơi người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, trồng sắn lấy bột và đi làm thuê, nên thẻ BHYT luôn được các ông mang theo bên mình không rời. Chị RahlanTratm con gái ông Lê Mơ Toai cho biết, thu nhập hang tháng của cả gia đình 5 người chỉ có khoảng 4 triệu đi làm mướn, sẽ không biết ra sao nếu không có thẻ BHYT.
Tuy nhiên, có một thực tế, một số bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, khi điều trị, bệnh nhân có thể phát sinh một số bệnh khác như gan sẽ rất khó khăn khi thanh toán, bởi BHYT chỉ chi trả cho bệnh lao.
Có thể nói, chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, công tác phòng-chống lao đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Bà Kiều Thị Mai Hương-đại diện Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho biết: “Trong những năm vừa rồi Trung tâm Trung tâm hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng (SCDI) có mặt tại các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Nông, Gia Lai, Đăk Lăk. Những năm trước liên quan đến hoạt động phòng, chống sốt rét. Từ năm 2021 có các hoạt động phòng, chống bệnh lao. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 không được tập trung đông người mà các hoạt động của SCDI yêu cầu phải tập trung đông người, chúng tôi đưa đến các dịch vụ như xe Xquang lưu động, xét nghiệm Xpert đến người có nguy cơ mắc cao. Mục đích của chúng tôi là hỗ trợ các địa phương chấm dứt được bệnh lao theo mục tiêu của Việt Nam trước năm 2030”.
Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai cho biết: “Thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu đến năm 2030, giảm số người chết do bệnh lao và số người mặc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 người dân, chương trình chống lao quốc gia đưa ra chiến lược 2X gồm X-quang và Xpert - nhằm sàng lọc và phát hiện những người mắc bệnh lao ngay cả khi chưa có triệu chứng. Thông qua việc sàng lọc theo phương pháp này giúp người dân, đặc biệt là người có nguy cơ cao mắc bệnh lao được phát hiện và điều trị kịp thời nhằm tránh lây lan ra cộng đồng”.