Chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Chiến dịch “Ruy băng trắng” là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Mô hình truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” lần đầu tiên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam tổ chức ở Việt Nam năm 2015 trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ Úc và đã được duy trì, nhân rộng ở nhiều tổ chức và địa phương trong cả nước.

Ngày 22/11/2024, thực hiện Kế hoạch triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn I (2021-2025) năm 2024, đồng thời, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới (15/11/2024 - 15/12/2024), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển triển, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động “Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ di cư hồi hương” trong đó có sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” tăng cường kết nối nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về với chủ đề “Phụ nữ làm chủ kinh tế - làm chủ cuộc đời”.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Dương Thị Ngọc Linh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, Trung tâm đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hay trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, là một giải pháp căn cơ, vừa góp phần ngăn ngừa vấn đề lao động di cư mất an toàn mà còn giúp đỡ những nạn nhân của mua bán trở về tái hòa nhập xã hội bền vững”.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam), phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh VH

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPN Việt Nam), phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh VH

Tại sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” có vở nhạc kịch “Câu chuyện của tôi” dựa trên câu chuyện có thật về những biến cố cuộc đời dẫn đến việc bị mua bán và hành trình phục hồi một cách đầy nỗ lực với sự hỗ trợ của Ngôi nhà Bình yên, được thể hiện bởi một nhóm các bạn trẻ là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội.

Cũng theo bà Dương Thị Ngọc Linh bằng việc sáng tạo và thay đổi hình thức truyền tải nội dung, áp dụng các hình thức nghệ thuật trong kể chuyện nhằm chuyển tải các thông điệp, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về/có nguy cơ bị mua bán để phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả mua bán người. Đây chính là cầu nối hiệu quả để chạm tới trái tim của các đại biểu tham dự, từ sự thấu hiểu dẫn sự đồng hành, cam kết tham gia hành động cùng hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực giới và mua bán người; thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em nói chung và tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị mua bán trở về, phụ nữ di cư hồi hương nói riêng.

Tham dự sự kiện có khoảng 150 đại biểu từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, một số bộ ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức trong mạng lưới chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân, đại diện một số Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế; các nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trong xã hội và các học viên đến từ Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Trong “Bữa sáng Ruy băng trắng” năm 2024, 150 đại biểu đã cùng thể hiện sự cam kết sẽ tích cực thúc đẩy cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam. Ảnh VH.

Trong “Bữa sáng Ruy băng trắng” năm 2024, 150 đại biểu đã cùng thể hiện sự cam kết sẽ tích cực thúc đẩy cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam. Ảnh VH.

Trong “Bữa sáng Ruy băng trắng” năm 2024, 150 đại biểu đã cùng thể hiện sự cam kết sẽ tích cực tham gia các chiến dịch nâng cao nhận thức, kết nối, vận động các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ, mở ra cơ hội việc làm giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống vững vàng. Những thông điệp của sự kiện đã được lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam.

Mô hình truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” lần đầu tiên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức ở Việt Nam năm 2015 trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ Úc và đã được duy trì, nhân rộng ở nhiều tổ chức và địa phương trong cả nước. Chiến dịch Ruy băng trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.

Năm 2023, “Bữa sáng Ruy băng trắng” đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và nhạy cảm giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh một nghiên cứu do UN Women và Bộ Tư pháp tiến hành năm 2017 đã chỉ ra một loạt các nguyên nhân khiến cho nạn nhân không tố cáo sự việc cho công an và không tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý.

Với chủ đề “Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, “Bữa sáng Ruy băng trắng” năm 2023 đã thu hút sự tham gia hơn 120 đại biểu là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đến từ Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân, đại diện các bộ, ngành, Liên đoàn luật sư, các tổ chức xã hội.

Đọc thêm