Văn hóa & Pháp luật

Chung tay xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở: Cần tạo môi trường thuận lợi, huy động hiệu quả các nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện nay, thực trạng chung của các địa phương là thiếu các thiết chế văn hóa, không gian vui chơi, giải trí, thể thao cho người dân. Để khắc phục, cần có sự huy động hiệu quả nguồn lực xã hội với hành lang pháp lý rộng mở, hoàn thiện.
Nhà hát Đó ở Nha Trang - một trong những mô hình thiết chế văn hóa địa phương do tư nhân đầu tư. (Ảnh Nhà hát cung cấp)
Nhà hát Đó ở Nha Trang - một trong những mô hình thiết chế văn hóa địa phương do tư nhân đầu tư. (Ảnh Nhà hát cung cấp)

Thiếu thiết chế văn hóa cơ sở là thực trạng chung

Thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và hình thành đặc trưng văn hóa của một cộng đồng. Những thiết chế văn hóa cơ sở như bảo tàng, thư viện, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa - thể thao, các không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng... mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho đời sống tinh thần của nhân dân. Nó giúp tạo ra một môi trường tương tác xã hội tích cực, tạo ra sự gắn kết trong cộng đồng và tăng cường mối quan hệ xã hội, giúp cải thiện tình hình tinh thần của nhân dân. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng tạo ra những giá trị cốt lõi, quy tắc và hành vi đúng đắn giúp tạo ra một tầm nhìn và mục tiêu chung, thúc đẩy mọi người phấn đấu và đạt được sự tiến bộ cá nhân và cộng đồng.

Thiết chế văn hóa cơ sở cũng góp phần mạnh mẽ trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa, giúp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của một cộng đồng hoặc quốc gia. Nó tạo ra sự tự hào và nhận thức về bản sắc văn hóa của mỗi người, đồng thời khuyến khích sự đa dạng và sáng tạo trong văn hóa cộng đồng. Cạnh đó còn tạo ra môi trường hỗ trợ và phát triển cá nhân, khuyến khích sự tự tin, sáng tạo và ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng. Một thiết chế văn hóa cơ sở mạnh mẽ giúp tạo ra một môi trường sống tích cực, tạo cơ hội cho việc thư giãn, giải trí và phục hồi sức khỏe tinh thần thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao...

Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 bao gồm 5 đối tượng, trong đó có các thiết chế văn hóa và không gian văn hóa sáng tạo. Cạnh đó, trong 8 giải pháp chủ yếu Chương trình đưa ra để phát triển văn hóa Việt Nam, cũng nhấn mạnh giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Có thể thấy, thiết chế văn hóa có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân, hướng đến nền văn hóa Việt Nam vững mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, những năm qua, tại các địa phương, chúng ta cũng đã đối mặt với tình trạng thiếu và yếu các thiếu chế văn hóa cơ sở. Nhiều địa phương, đặc biệt là các khu vực nông thôn và khu vực đô thị đang phát triển nhanh, đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các không gian văn hóa chung. Các địa phương thường gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ không gian để tổ chức các hoạt động văn hóa và giải trí cho cộng đồng. Những không gian như thư viện, trung tâm văn hóa, sân khấu và sân chơi công cộng thường bị hạn chế hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Ngay cả TP HCM, đô thị phát triển hàng đầu của cả nước về kinh tế - văn hóa nhưng những năm qua cũng đối diện tình trạng thiếu thiết chế văn hóa cơ sở. Tại cuộc khảo sát do Sở VHTT TP HCM tổ chức về tình hình đầu tư và hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP HCM tháng 4 vừa qua, kết quả cho thấy có sự chậm trễ trong việc triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa. Đề án “Phát triển tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn TP HCM đến năm 2035” đã được triển khai từ nhiều năm qua, thế nhưng, từ năm 2021 đến nay chưa có tiến triển. Trong 8 công trình trọng điểm, gồm: Trung tâm Văn hóa TP HCM, Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, Bảo tàng TP HCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, Nhà Văn hóa Thanh niên và Cung Thiếu nhi thành phố, chỉ có Bảo tàng Tôn Đức Thắng là đã triển khai nhưng chậm tiến độ, đang đề nghị dời đến hết năm 2023. 7 công trình còn lại đang trong giai đoạn chờ… chủ trương, chờ bố trí đất, chờ phương án thiết kế kiến trúc, chờ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chờ di dời, giải tỏa mặt bằng, chờ thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Thực trạng này còn diễn ra tại rất nhiều địa phương lớn, nhỏ trên cả nước. Các chuyên gia cũng lý giải một số nguyên nhân của thực trạng thiếu và yếu các thiết chế văn hóa cơ sở, như ý thức và nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và tuân thủ thiết chế văn hóa cơ sở chưa cao, vấn đề quản lý còn nhiều bất cập. Đặc biệt là sự thiếu đầu tư, thiếu nguồn vốn và đây đó còn thiếu sự quan tâm từ các cấp chính quyền và các tổ chức liên quan.

Để huy động nguồn lực xã hội hóa cách hiệu quả

Mới đây, tại TP HCM đã diễn ra lễ khánh thành khuôn viên 750 Nguyễn Kiệm được xây dựng từ sự chung tay đóng góp kinh phí và công sức của nhân dân nhằm chỉnh trang, cải tạo trở thành khu vui chơi giải trí cho các em thiếu nhi và tập luyện thể dục thể thao cho cộng đồng với tổng diện tích khoảng 250m2 cùng nhiều dụng cụ tập luyện thể thao và vui chơi trẻ em. Thời gian qua, nhằm củng cố hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao trong nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, TP HCM đã và đang tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thiện và nâng chất các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí tại cộng đồng. Tại nhiều địa phương khác trên cả nước, việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, giải trí, thể thao tại địa phương cũng đang được đẩy mạnh như một giải pháp khắc phục tình trạng “yếu và thiếu”.

Những năm qua, xã hội cũng chứng kiến các thiết chế văn hóa địa phương ra đời từ xã hội hóa đã đạt được những thành tựu tốt đẹp trong đời sống nhân dân. Như việc ra đời của hàng loạt bảo tàng tư nhân, thư viện tư nhân trên khắp cả nước. Cạnh đó, nhiều khu vui chơi thiếu nhi do tư nhân đầu tư đã ra đời, mặc dù có thu phí nhưng cũng đã tạo ra được một không gian phát triển cho trẻ. Còn có các nhà hát do nguồn xã hội hóa đầu tư cũng đã tạo ra được không gian văn hóa - sáng tạo để người dân nâng cao đời sống tinh thần. Có thể kể đến một số nhà hát xã hội hóa thành công rực rỡ như sân khấu Idecaf tại TP HCM, Nhà biểu diễn nghệ thuật Hội An, hay mới nhất là Nhà hát Đó ở Nha Trang...

Một điều cần khẳng định, để xã hội hóa các thiết chế văn hóa cơ sở, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Tuy nhiên, để huy động được sức mạnh cộng đồng, cần tạo ra những điều kiện thực sự thuận lợi nhằm thu hút sự chung tay của người dân và doanh nghiệp. Xã hội hóa các thiết chế văn hóa cơ sở đòi hỏi tạo ra môi trường thuận lợi để tham gia, vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội để cung cấp các nguồn lực, không gian và cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện các hoạt động văn hóa.

Còn cần có sự tăng cường hoạt động giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của thiết chế văn hóa cơ sở với sự gặp gỡ, chia sẻ về lợi ích cũng như cách thức chung tay.

Một yếu tố cực kì quan trọng trong việc huy động sức mạnh nguồn lực xã hội hóa, đó là việc tạo ra một môi trường thân thiện và khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp bằng cách cung cấp các chính sách hỗ trợ và khung pháp lý thuận lợi nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Hiện chúng ta đã có một số quy định pháp luật có thể được coi như hành lang thuận lợi cho việc xã hội hóa các thiết chế văn hóa cơ sở như Quyết định số 2164/QĐ-TTg được ban hành ngày 11/1/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có nêu vấn đề tạo cơ chế tự chủ (xã hội hóa) cho các thiết chế văn hóa. Còn có Nghị định 29/2017/NĐ-CP về xây dựng nông thôn mới, trong đó bao gồm cả các hoạt động văn hóa cơ sở, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng dân cư và các địa phương trong việc tham gia xây dựng và quản lý thiết chế văn hóa cơ sở.

Tuy nhiên, để huy động nguồn lực trong xã hội một cách mạnh mẽ hơn, chúng ta cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích hơn nữa, tạo ra các chính sách hỗ trợ, định hướng và khuyến khích, ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác để động viên và khuyến khích sự tham gia.

Cạnh đó, cần có quy định rõ ràng về việc tài trợ và sử dụng tài chính, quy định về quản lý và giám sát, bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả và tránh việc lạm dụng tài nguyên. Quyền sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng trong việc khuyến khích sáng tạo và đóng góp của các cá nhân và tổ chức. Cần có hệ thống bảo vệ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả để bảo đảm rằng người tạo ra và đóng góp vào thiết chế văn hóa cơ sở được công nhận và bảo vệ đúng mức.

Các hành lang pháp lý đầy đủ sẽ cung cấp cơ sở vững chắc, bảo đảm tính minh bạch và bền vững trong quá trình xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, thu hút sự quan tâm, chung tay của đông đảo người dân và doanh nghiệp.