Chuỗi cửa hàng hô hào bài trừ rác thải nhựa... 'cửa miệng'

(PLVN) - Mới đây, sự cố “bảo vệ môi trường giả hiệu” đã diễn ra tại một trong những cửa hàng của chuỗi thức uống Phúc Long. Cửa hàng này có một thùng rác có phân loại rác thải một cách rất chi tiết, trong đó phân ra đến 10 loại rác thải (thông thường là 2-4 loại), nào là ống hút, ly nhựa nhỏ, ly nhựa lớn, túi nilon, vỏ hộp giấy... 
Một cửa hàng trong chuỗi nước giải khát Phúc Long bị lên án vì hành động bảo vệ môi trường giả tạo.
Một cửa hàng trong chuỗi nước giải khát Phúc Long bị lên án vì hành động bảo vệ môi trường giả tạo.

Thế nhưng, khách hàng đã phát hiện, bên dưới cửa hàng chục ô phân loại rác thải này chỉ có một túi chứa rác chung. Nghĩa là, dù bên trên đề rất nhiều ô, rất hào nhoáng cầu kì, thực chất chỉ là “chơi chiêu” để cho khách thấy rằng mình cũng bảo vệ môi trường, chứ thực tế chẳng có hành động “phân loại” nào diễn ra. Sự việc đã gây ra một luồng phản ứng mạnh từ phía người tiêu dùng. 

Thực tế, DN có quyền đứng ngoài cuộc chiến bảo vệ môi trường. Họ có quyền kinh doanh theo cách của họ, miễn không vi phạm đạo đức và pháp luật. Nhưng chạy theo phong trào bảo vệ môi trường một cách giả tạo, làm ra hành động lừa dối nhằm PR tên tuổi cho bản thân, lại là một hành động chẳng có chút “fair play” nào, nếu không muốn nói là dối trá. Và người tiêu dùng bức xúc, phẫn nộ không phải chỉ vì Phúc Long không chịu bảo vệ môi trường, mà còn vì DN này dùng “tiểu xảo” để lừa dối họ.

Đây là một sự việc đáng buồn, nhưng cần thiết bị phát giác lên án để đánh thẳng vào thực trạng “bảo vệ môi trường theo phong trào” hiện nay. Những năm gần đây, “bảo vệ môi trường” đang là từ khóa được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội và trên cửa miệng nhiều người. Đặc biệt, từ khi những bức ảnh về sinh vật rừng, biển bị bức hại, chết tức tưởi bởi những chai nhựa, túi nilon hay ống hút, phong trào càng lan mạnh mẽ hơn. 

Không chỉ các bạn trẻ, nhiều DN cũng lên tiếng, chung tay hành động vì môi trường. Trong số đó, có những siêu thị chấp nhận tăng chi phí để thay túi nilon bằng lá chuối bọc rau củ, các cửa hàng thay ống hút, ly nhựa bằng sản phẩm có thể tái sử dụng...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, bảo vệ môi trường cũng đã trở thành một trào lưu, một “trend” mà ai tham gia mới hợp thời. Không ít DN cũng coi đó như một cách truyền thông mới để lấy lòng người tiêu dùng. Cũng từ đó, không biết bao câu chuyện trớ trêu, kệch cỡm đã diễn ra. 

Trước Phúc Long, một chuỗi cửa hàng giải khát khác là Highland cũng đã bị lên án vì bảo vệ môi trường nơi "cửa miệng". Chuỗi cửa hàng này chạy rầm rộ chiến dịch “Những cánh tay xanh” với slogan “Cùng chung tay cùng hành động”. Phương châm đưa ra của chiến dịch là “Cùng nhau giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, vì lợi ích lâu dài cho cuộc sống và môi trường”. 

Trên website của mình, Highland cũng mở hẳn mục “trách nhiệm cộng đồng”. Một trong những chương trình của Highland là nếu khách hàng mang ly đến mua nước uống sẽ được khuyến mãi từ size nhỏ thành size lớn hơn.

Tuy nhiên, khách hàng đã phát hiện, dù kêu gọi lớn tiếng nhưng tại các cửa hàng Highland, thực tế không có hành động nào nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Chuỗi cửa hàng này vẫn phục vụ ly nhựa, ống hút nhựa, muỗng nhựa dù khách uống tại chỗ với ly do... không có người rửa ly.

Với tổng số trên 200 cửa hàng Highland khắp cả nước, nhiều người tiêu dùng cho rằng, cách kinh doanh của Highland đã thải ra môi trường một lượng rác thải khủng khiếp hàng ngày, trái ngược với chiến dịch truyền thông “Những cánh tay xanh” mà thương hiệu này quảng bá rầm rộ.

Trào lưu chỉ là nhất thời, ý thức mới là bền lâu  

Phúc Long, Highland không phải là những thương hiệu hiếm hoi tham gia vào trào lưu bảo vệ môi trường không phải bằng hành động thực tiễn mà như một cách quảng bá hình ảnh. Không ít DN, theo trào lưu, cũng đổi ống hút, bán ống hút mới, thay túi nilon, bán túi vải... nhưng thực chất chỉ là “làm màu” cho có, chứ hàng ngày vẫn thải ra rất nhiều rác thải nhựa mà không hề có ý thức giảm thiểu một cách căn cơ.

Rất nhiều cách thức giảm thiểu rác thải nhựa đã được sáng tạo ra, như dùng ống hút cỏ, ống hút inox, ống hút gạo để thay thế ống hút nhựa. Dùng quai vải thay thế quai nilon. Dùng cả... bánh tráng nhúng nước thay cho màng bọc thực phẩm. Thế nhưng, qua thời gian, hầu hết những cách thức trên đều bị phát hiện ra những nhược điểm, khó có thể gọi là bảo vệ môi trường một cách có chiều sâu. 

Như việc lạm dụng ống hút kiểu mới cũng đã phát triển thêm cho ngành sản xuất ống hút những sản phẩm mới. Ống hút nhựa chưa rõ có giảm hay không, nhưng để phục vụ trào lưu, ống hút cỏ, tre, gạo, inox... được rầm rộ sản xuất, cũng góp phần không nhỏ tác động đến môi trường.

Quai vải sau một thời gian buôn bán rầm rộ, nay gần như bị lãng quên vì không tiện dụng. Chẳng lẽ đi đâu cũng phải nhớ kè kè quai vải mang theo, hoặc mỗi lần mua nước mang đi thì mua quai vải mới? Hay như màng bọc thực phẩm bằng bánh tráng, vừa lãng phí thực phẩm vừa nguy cơ gây hại cho sức khỏe...

Cho dù có hàng trăm cách, cho dù phong trào có rầm rộ, nhưng nếu thực sự mọi thứ không bắt nguồn từ căn cơ, từ sâu trong ý thức thì khó lòng có thể thay đổi được. Bảo vệ môi trường cũng sẽ như một “hag tag” nóng hổi trên mạng xã hội rồi lùi bước cho một phong trào mới.

Trào lưu chỉ là nhất thời, ý thức mới là điều cần tạo dựng lâu bền. Trào lưu bảo vệ môi trường sẽ chóng trôi qua như bao trào lưu khác, nhưng ý thức bảo vệ môi trường (như việc tiến đến bỏ sử dụng ống hút; dùng túi gia đình để đựng đồ mua từ chợ, siêu thị thay vì túi nilon; ngưng xả rác bừa bãi; biết cách phân loại rác thải...) sẽ giúp chúng ta có một thế hệ văn minh, sống xanh thực sự. Mà ý thức thì cần một sự thay đổi mạnh mẽ, lâu dài và bền vững, chứ không chỉ là vài cái ống hút inox thay cho ống hút nhựa đã làm người ta tâm đắc rằng mình đang… bảo vệ môi trường.