Chương Đặng, một người không... 'quá đáng'

(PLVN) - Anh được biết đến nhiều với vai trò: Một nhà thiết kế áo dài trên chất liệu lạ: thun, coton, linen - thương hiệu thời trang Kujean. Anh còn là một TV host trong các hoạt động văn hóa, giáo dục, một cây viết đầy mỹ cảm và chuỗi nhà hàng Ru, The fish sauce, Ghém ở Sài Gòn... Hầu hết trong các chia sẻ của mình, Chương Đặng luôn có điểm nhấn về tình yêu một cách vô cùng ý nhị và duyên dáng. Và dường như ở mỗi giai đoạn, anh sẽ dừng lại, dồn tình yêu cho một “dự án” mới…
Chương Đặng, một người không... 'quá đáng'

Chiếc áo dài Kujean màu tím

Còn nhớ, thương hiệu Kujean - chuyên về áo dài với chất liệu vô cùng dễ chịu: linen, cotton, thậm chí là thun - duyên và không kém phần yêu kiều có thể sử dụng dễ dàng trong cuộc sống thường nhật, như những người phụ nữ Sài Gòn xưa. 

Anh chia sẻ: Thật lạ là từ nhỏ, tôi đã nghĩ về kinh doanh với cái nhìn lãng mạn. Tôi thường gói những chiếc kẹo bé xíu một cách cẩn thận trong mảnh giấy xinh xắn trước khi bán lại cho mấy đứa trẻ như một dịch vụ cộng thêm. Cho đến bây giờ, việc kinh doanh của tôi đều lãng mạn và giàu tính thẩm mỹ, từ thời trang, đến cà phê, phở… để mọi người tận hưởng cuộc sống tốt hơn.

Chương Đặng

Nguyên quán Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Hiện sinh sống ở miền nam California, Hoa Kỳ.

Từng hoạt động trong ngành thời trang, thương hiệu áo dài Kujean; ngành nhà hàng, với chuỗi quán cà phê Kujuz, nhà hàng The Fish Sauce, Ghém, Ru phở bar... Kênh Youtube Food and Love.

Sách đã xuất bản: “Bầu cua tôm cá chơi chơi - Ăn và Yêu” (2/2020). 

“Khi em chạm phải một nỗi buồn”. (3/2020).

Mặc dù lớn lên ở Bảo Lộc ( Lâm Đồng) - được xem là xứ lụa là, thế nhưng khi làm áo dài, anh lại chọn chất liệu hiện đại. Theo anh, áo dài bằng vải cotton thường mát, nhẹ, ít nhăn, khi mặc sẽ tạo những nếp gấp rất gợi cảm, nhìn rất duyên. Còn linen là một chất liệu phù hợp với tính cách phóng khoáng, an nhiên và một chút ngang tàng. Nét quyến rũ của người phụ nữ đôi khi được thể hiện qua những kinh nghiệm nhỏ, tích lũy trong hành trình cuộc đời, chứ không phải bởi nét lả lướt phù phiếm. 

Có lẽ bởi thế, những chiếc áo dài của anh vừa mộc mạc, sang trọng và cũng ẩn trong sự kín đáo và giản dị. Anh kể: “Bà ngoại tôi là người trọng hình thức, khi bà mất trong tủ áo của bà có đến mấy chục chiếc áo các thể loại, giày và khăn choàng cũng nhiều… Bà đã gieo vào lòng tôi những rung động đầu tiên của sự tươm tất và tính tình phóng khoáng. Khi bà đi nhà thờ, đi đám cưới, bà đều khiến người khác thấy bà mặc thật đẹp, đằm thắm và dễ gần.

Nhưng mẹ tôi thì ngược lại, bà ít khi mặc áo dài. Một vài dịp hiếm hoi trong những buổi lễ lớn bà sẽ mặc chiếc áo dài lập thể yêu thích của bà và của cả gia đình. Mẹ tôi là người dạy tôi về sự phù hợp, bà không muốn có sự khiên cưỡng nào. Cho nên khi bà mặc chiếc áo dài vào thì hết thảy mọi thành viên trong gia đình đều biết chắc chắn rằng: lễ hội đã thực sự hiện diện trong mái ấm của chúng tôi.

Sau này, khi có điều kiện tiếp xúc với văn hóa phương Tây, tôi lại muốn những thiết kế áo dài có chút hơi hướng của một đời sống văn minh, thời trang và quý phái. Rất hợp với phụ nữ xứ mình.

Tôi luôn bị ám ảnh về sự nhẫn chịu của phụ nữ. Bên trong vóc dáng nhỏ bé, dịu dàng luôn chứa đựng sức mạnh và sự dẻo dai không ngờ. Nhưng dù có thế nào thì họ vẫn mong manh như giọt sương sớm… nên dễ khiến nam giới mủi lòng và ở cấp độ cao nhất, chính sự mong manh nơi phụ nữ lại đánh thức nam tính nơi đàn ông. Tôi thấy phụ nữ thật mạnh mẽ, vì họ biết cách đóng khung khả năng phi thường của mình trong sự khiêm nhu, lặng lẽ. Tôi chọn áo dài, vì áo dài thật quá đỗi mong manh!”.

Điều kì lạ, những chiếc áo dài của anh luôn lặng lẽ, kín đáo và giản dị, như chờ đợi người phụ nữ là chủ nhân của nó. Những tà áo dài thanh nhã, mộc mạc ấy trở nên đẹp và sống động không ngờ khi mặc vào người một cô gái phù hợp. Sự hài hòa và hoàn hảo đến độ không biết tà áo làm cô ấy đẹp hay cô ấy làm chiếc áo trở nên đẹp lạ lùng nữa?

“Khi làm áo dài, có lẽ là bởi áo dài chọn tôi và phụ nữ tìm đến tôi như tìm đến một người bạn. Thay vì cố gắng thuyết phục họ về sản phẩm, tôi lại ngồi nghe những câu chuyện đôi khi rất riêng tư của họ. Phụ nữ luôn muốn mình đẹp dù mỗi cá nhân đều có thể có những khiếm khuyết khác nhau”…

Khi anh đang thành công với chuỗi nhà hàng, với phở, với cà phê, áo dài trong một không gian rất riêng, nâng niu và trân trọng, như xưa cũ và hiện tại kết nối thì anh dừng lại. Nhiều người biết đến áo dài của anh đều tiếc nuối, mong muốn thương hiệu Kujen trở lại. Anh nói, có thể sẽ tới một lúc nào đó, khi anh “thích” làm lại. Khi bắt đầu làm áo dài, là bởi hồi đó áo dài chưa được xem là lựa chọn phổ biến như những năm gần đây. Và khi đã đủ gây “thương nhớ” rồi thì anh tạm nghỉ…

Ngày anh tạm biệt chiếc áo dài Kujen vào dịp Lễ Tình yêu và mùng 8/3 của ba năm trước, anh đã viết về chiếc áo dài như một món quà tặng cho những người mẹ, người chị, người em gái… đầy nâng niu. Anh nhã ý tặng những người phụ nữ ngày hôm đó đọc được những lời anh nhắn gửi về tà áo dài. Và cô bạn gái của tôi, trong một sự tình cờ, đã được tặng chiếc áo dài đầu tiên trong cuộc đời cô ấy, áo dài linen màu tím với những sợi chỉ thêu mong manh. Có lẽ, đó là chiếc áo dài đẹp nhất! Một người lặng lẽ và thấu hiểu, trao đi một món quà cho người phụ nữ, họ chưa từng quen…

Hai cuốn sách mới là những nâng niu tình yêu cuộc sống: “Bầu cua tôm cá chơi chơi - Ăn và Yêu” và “Khi em chạm phải một nỗi buồn”
Hai cuốn sách mới là những nâng niu tình yêu cuộc sống:  “Bầu cua tôm cá chơi chơi - Ăn và Yêu” và “Khi em chạm phải một nỗi buồn”
Chương Đặng và thương hiệu áo dài Kujean thương nhớ
Chương Đặng và thương hiệu áo dài Kujean thương nhớ

Một người bạn đồng hành đúng thời điểm

Khi đang thành công ở Việt Nam, anh sang Mỹ và startup một công việc mới về du học và ẩm thực. Chúng tôi có dịp gặp anh trong một cuộc trò chuyện đầu đông, khi anh từ Mỹ về Hà Nội. Ở anh, luôn là một sự ân cần, thanh nhẹ, dễ chịu và hết lòng. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ cái gì cũng có giới hạn của nó. Khi mọi thứ đang tốt thì tôi lại thấy mình phải ngơi nghỉ và để tâm trí được thư thái, cân bằng. Tôi không hợp với tốc độ…

Bất cứ thứ gì khiến tôi chới với để đạt lấy thì cơ thể tôi đều “biểu tình” chống đối. Cuộc sống của tôi ở Mỹ rất yên ả, dễ chịu. Nó khiến tôi tìm được sự cân bằng và khi sẵn sàng, tôi lại bắt đầu những dự án thú vị khác. Mỹ và Việt Nam bây giờ rất gần nhau, tôi cũng thích sự mới mẻ háo hức mỗi khi quay về bờ bên này hay bờ bên kia. Nó cho tôi cảm giác mình thật nhỏ bé và khiêm tốn trước vũ trụ, bầu trời và thành quả lao động của nhiều người khác… 

Hiện tại, tôi tập trung vào một startup với một nhóm bạn trẻ cũng vẫn là những lĩnh vực quen thuộc liên quan đến ẩm thực và phong cách sống. Còn về việc chăm sóc du học sinh hay tư vấn định cư: nhiều người nhầm tưởng tôi cung cấp dịch vụ về thủ tục pháp lý. Không phải đâu. Tôi chỉ muốn tư vấn cho nhiều gia đình và nhất là các em học sinh để họ chắc chắn hơn về quyết định của mình. Trước làn sóng di dân ồ ạt, tôi đã chứng kiến những câu chuyện buồn. Ở đâu, muốn hạnh phúc và thành công đều cần hiểu, thương và coi trọng nơi mình sinh sống. Nếu không có sự bình yên trong tâm hồn thì không có nơi đâu là nhà”.

Khi đó, anh đã nói về cuốn sách ra mắt vào dịp đầu năm nay: “Bầu cua tôm cá chơi chơi - Ăn và Yêu!”. Và rồi cuốn sách đã ra vào dịp cả thế giới đứng yên, nhưng đã hết veo ở Mỹ. Rồi khi mọi người chưa kịp đọc hết cuốn sách đó, thì anh lại cho ra tiếp cuốn “Khi em chạm phải nỗi buồn”…

Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ người ta có thể mua sách vì bất kỳ lý do gì nhưng quan trọng nhất người ta sẽ mua vì có biết tôi, Chương Đặng, một người không quá đáng. Tôi hay đứng chờ ở ranh giới giữa đúng - sai, đẹp - xấu, vui - buồn, giàu - nghèo, đau khổ - hạnh phúc. Ở ranh giới đó, tôi gặp được nhiều người… Có lẽ họ sẽ nhận ra tôi trong lúc phải ngụp lặn giữa những mệt mỏi của cuộc sống. Tôi không hẳn là một người bạn tốt, tôi chỉ là người bạn đồng hành đúng thời điểm.

Mỗi món ăn trong cuốn sách này đều liên quan đến một câu chuyện tình có thật. Tôi nghĩ người Việt Nam quan tâm đến ẩm thực là vì có những câu chuyện phía sau rất ý nhị, nó không đơn giản chỉ là một bữa ăn mà luôn luôn là câu hỏi chúng ta đã ăn bữa ấy như thế nào”?

Trong cuốn sách, những trang đầu tiên anh viết về người bạn lai thuở ấu thơ, bữa ăn trang nghiêm, thanh lịch trong những khóa học tu tập ở nhà thờ. Và căn bếp yêu thương của mẹ… Anh bị khuyết tật ở chân sau một trận sốt từ năm 4 tuổi. Thế nên, ngày bé, anh được cưng chiều và bám dính mẹ. Anh nhớ nắm cơm bé xíu trong những trưa hè nằm gối đầu lên đùi mẹ, những cái tựa cằm như “chó con” trên gối mẹ trong căn bếp ấy. Với anh, những món chay dường như luôn là một trời kí ức về mẹ…

Có lẽ, bệnh nan y chỉ có thể lấy đi mạng sống khi con người không còn niềm tin và ý chí muốn sống. Nhờ vậy mà anh đã vượt qua rất nhiều căn bệnh “thập tử nhất sinh” khi còn nhỏ. “Ngay cả cơn sốt bại liệt lấy đi đôi chân của tôi từ năm bốn tuổi cũng không làm tôi bi quan mà ngược lại, còn làm tăng tính độc lập sẵn có. Một cách tự nhiên, tôi ngày càng độc lập, mạnh mẽ và lạc quan, chứng minh mình có thể làm tất cả mọi điều mà những người lành lặn khác làm được. Nhưng cũng vì quá độc lập, tôi ở thời điểm đó còn không chấp nhận những giới hạn của bản thân. Và từ ngôi làng nhỏ, tôi về Sài Gòn rồi sang Pháp. Những bước chân xa dần…

Tôi làm đẹp cuộc sống bằng thời trang, ẩm thực, văn chương… không phải để dạy đời mà chỉ muốn nhắc nhở một số quy tắc về sống hạnh phúc, mà đôi khi chúng ta đã vô tình đánh rơi đâu đó. Vì tôi thấy rằng mọi giá trị đều có thể thay đổi với thời gian, nhưng sự tử tế thì không… Cuộc sống có thể nhiều bộn bề, âu lo, nhưng chỉ cần chúng ta sống chậm lại một chút, ân cần, chú tâm, chúng ta vẫn có thể sống đẹp và trọn tình với nó…”.