Cơ sở xây dựng chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư
Thực trạng giải quyết án hình sự tại Việt Nam trong thời gian qua có một số vụ án việc giải quyết bị kéo dài do quan điểm đánh giá chứng cứ, quan điểm đường lối xử lý vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau. Trong các kỳ họp Quốc hội, đề cập đến công tác xét xử, điều tra, truy tố, thi hành án các đại biểu cho rằng, bên cạnh một số thành tích đạt được, hiện còn một số hạn chế. Thứ nhất, việc xử lý án còn kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, có vụ án khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc. Thứ hai, tỷ lệ trả hồ sơ vụ án để điều tra lại còn khá cao, nhất là án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án do cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát điều tra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung có liên quan đến năng lực, trình độ của cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo các chức danh tư pháp là yêu cầu cấp thiết. Là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu trong cả nước về đào tạo chức danh tư pháp, trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tư pháp đã đạt được rất nhiều thành tựu, góp phần xứng đáng vào công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Trong định hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện Tư pháp đã triển khai mô hình đào tạo hoàn toàn mới là đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư bên cạnh mô hình đào tạo riêng từng chức danh theo truyền thống. Ngày 8/12/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 2543/QĐ-BTP ban hành Chương trình khung đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư Trên cơ sở đó, ngày 23/12/2016, Giám đốc Học viện Tư pháp ký Quyết định số 1401/QĐ-HVTP ban hành Chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng về sự gắn kết những đặc thù nghề nghiệp của ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và kinh nghiệm đào tạo, sử dụng học viên sau đào tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới. Qua thực tế đào tạo, năm 2020, Học viện Tư pháp đã chỉnh sửa, bổ sung chương trình khung và chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư để khắc phục những hạn chế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Là một giảng viên thỉnh giảng tham gia đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện tư pháp từ khóa đầu tiên, với góc nhìn của giảng viên về mô hình đào tạo chung này, tôi nhận thấy đây là mô hình mới, tiên tiến, có hiệu quả thiết thực. Qua đó, sẽ cung cấp cho học viên kiến thức đa chiều về các kỹ năng nghề nghiệp của các chức danh tư pháp: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung cho đội ngũ luật sư và cho các ngành tư pháp nói chung, ngành Tòa án, ngành Kiểm sát nói riêng.
Thực trạng và kết quả đào tạo của Học viện tư pháp
Về mặt cấu trúc, chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư được chia thành 04 giai đoạn với sự nối tiếp, phát triển có kế thừa hợp lý các khối kiến thức, kỹ năng mà học viên tích lũy được trong mỗi giai đoạn của chương trình.
Giai đoạn 1: Nghề luật và môi trường nghề nghiệp. Trong giai đoạn này, học viên được trang bị kiến thức chung về nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tiếp cận chủ động và tích cực với môi trường nghề nghiệp, song song với tích lũy kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho việc hành nghề sau khi được đào tạo.
Giai đoạn 2: Đào tạo kỹ năng cơ bản các chức danh. Mục tiêu giai đoạn này là trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản của ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong lĩnh vực Hình sự, Hành chính, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Lao động, Hôn nhân gia đình… và kỹ năng tư vấn pháp luật.
Giai đoạn 3: Thực tập nghề nghiệp. Giai đoạn này, học viên tiếp cận với môi trường nghề nghiệp thực tiễn tại các Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Văn phòng luật sư, Công ty luật... Đây là cơ hội để học viên kiểm chứng kiến thức, kỹ năng đã được trang bị tại nhà trường; trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp giúp cho việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Giai đoạn 4: Đào tạo chuyên sâu, đây là giai đoạn đào tạo tự chọn, học viên được lựa chọn các môn học chuyên sâu phù hợp với định hướng nghề nghiệp từng chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tùy theo sở thích và nguyện vọng của mình.
Các nội dung học tập của 04 giai đoạn nêu trên được thực hiện với sự tương tác tối đa giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau, với nguồn học liệu phong phú, hiện đại để tạo cơ hội và điều kiện cho học viên chủ động chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, tích lũy và phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp. Việc giảng dạy có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn thông qua các bài giảng lý thuyết và diễn án các phiên tòa mẫu, giải quyết các tình huống của nhiều hồ sơ vụ án cụ thể, tổ chức các hoạt động kiến tập tại Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, các tổ chức hành nghề luật sư, Trại tạm giam giúp học viên tiếp cận với thực tiễn, được trải nghiệm môi trường nghề nghiệp, so sánh với lý luận đã học... Từ đó, học viên đúc kết được kinh nghiệm thực tế cho bản thân và có định hướng lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Hiện tại Học viện Tư pháp đã và đang đào tạo được 05 khóa tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đào tạo thực tế đã thể hiện nỗ lực của Học viện trong xây dựng và triển khai chương trình; tâm huyết, trách nhiệm truyền đạt kiến thức của đội ngũ giảng viên và tinh thần học tập nghiêm túc của học viên. Các khóa dào tạo đã cho “ra lò” những “sản phẩm” thực sự chất lượng, với sự sàng lọc nghiêm túc, không có tình trạng học tập “đánh trống ghi tên” mà đầu ra tương đối khắt khe, học viên phải thật sự tập trung, tích cực học tập mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Kết quả các khóa học vừa qua đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía học viên, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và sự đánh giá cao từ lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương.
Với tư cách một giảng viên thỉnh giảng đã có thời gian tương đối dài tham gia giảng dạy các Chuyên đề về kỹ năng nghiệp vụ Kiểm sát cho các chức danh tư pháp; hướng dẫn học viên diễn án, thực hành phiên tòa mẫu; thực hành các bài tập tình huống theo từng hồ sơ vụ án cụ thể; tham gia thẩm định chương trình đào tạo, thẩm định Giáo trình “Kỹ năng của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong giải quyết vụ án hình sự”... tôi nhận thấy chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư có những ưu điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, hoạt động đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đã cung cấp thị trường lao động nguồn nhân lực cán bộ tư pháp có chất lượng góp phần tạo điều kiện thực hiện chủ trương của Nhà nước về lựa chọn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên từ Luật sư, Luật gia giỏi; góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp luật, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư giúp các ngành Tư pháp có cơ hội tuyển chọn được cán bộ, chuyên gia giỏi và thực hiện công tác luân chuyển cán bộ dễ dàng. Theo đó, một luật sư giỏi có thể được tuyển dụng và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên, làm Thẩm phán nhằm tăng cường năng lực cho ngành Kiểm sát, ngành Tòa án và thời gian “làm quen” với vị trí nghề nghiệp mới sẽ được rút ngắn vì Luật sư đó đã được Học viện Tư pháp trang bị kiến thức, kỹ năng công tác kiểm sát, kỹ năng nghề nghiệp của Thẩm phán trong chương trình đào tạo chung; Kiểm sát viên có thể được điều động bổ nhiệm làm Thẩm phán và ngược lại.
Thứ hai, việc thiết kế các bài học trong chương trình đào tạo đã tính tới những kỹ năng chung của ba chức danh cũng như kỹ năng đặc thù của từng chức danh. Cùng một lớp học mỗi học viên đều được trang bị đầy đủ 03 dạng kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ của Thẩm phán, nghiệp vụ của Kiểm sát viên, nghiệp vụ của Luật sư. Từ đó, học viên tích lũy thành kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân mình đủ cả 03 lĩnh vực. Thực tế cho thấy học viên khi tốt nghiệp được trang bị những kỹ năng của ba chức danh này có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc nếu được bổ nhiệm làm Thẩm phán, Kiểm sát viên hay được công nhận Luật sư.
Thứ ba, đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư góp phần giúp cho việc giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan, đúng pháp luật, góp phần giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh được án tồn đọng, kéo dài. Ví dụ: Trường hợp sau này, một học viên đã qua chương trình đào tạo chung được tuyển dụng vào ngành kiểm sát và tuyển chọn làm Kiểm sát viên thì khi họ thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra một vụ án hình sự chắc chắn sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình vì ngoài kỹ năng nghiệp vụ Kiểm sát viên, họ còn có kiến thức và vận dụng cách đánh giá, cách giải quyết vụ án đó dưới góc độ của Luật sư, Thẩm phán đã được trang bị trong chương trình đào tạo. Từ đó, việc giải quyết vụ án của Kiểm sát viên đó sẽ rất toàn diện, khách quan, chú ý tới cả mặt buộc tội và gỡ tội qua đó góp phần hạn chế việc làm oan sai cho người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Từ nền tảng đào tạo chung, các chức danh sẽ hiểu được cách nhận thức về vụ án, cách đánh giá chứng cứ, quan điểm đường lối giải quyết vụ án này của chức danh khác, từ đó góp phần giúp vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng, đồng nhất quan điểm, đúng pháp luật, han chế tình trạng việc giải quyết vụ án bị kéo dài, tồn đọng...
Thứ tư, dân gian ta có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nghĩa là, để thành công, hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực, công việc của mình thì phải hiểu rõ sâu sắc việc được phân công, về đối tác cùng thực hiện. Chẳng hạn, luật sư bào chữa cho thân chủ trong vụ án hình sự thì phía đối tụng là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố buộc tội bị cáo tại phiên tòa. Để bảo vệ thân chủ, đối đáp có căn cứ, đúng pháp luật và có sức thuyết phục cao thì hơn bao giờ hết ngoài việc nắm chắc hồ sơ vụ án, Luật sư phải hiểu, nắm chắc các kỹ năng, nghiệp vụ thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Kiến thức này đã được Học viện Tư pháp trang bị đầy đủ cho Luật sư. Từ đó, Luật sư có thể đưa ra những quan điểm có căn cứ, hợp lý, hợp tình, đối đáp với những lời buộc tội của Kiểm sát viên (hoặc Luật sư bảo vệ cho bị hại) và đạt được kết quả mong muốn. Kết quả ở đây là chân lý, là sự thật khách quan đúng bản chất vụ án, tránh được việc buộc tội phiến diện; bị cáo được hưởng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, lượng hình tuyên án phù hợp với tính chất của vụ án, bị cáo tâm phục, khẩu phục.
Một số kiến nghị, đề xuất
Để chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đạt được chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa, từ góc độ một giảng viên thỉnh giảng, tôi có một số kiến nghị, đề xuất cụ thể như sau:
Đề nghị Học viên Tư pháp liên tục cập nhật, thay đổi hồ sơ tình huống để hồ sơ tình huống đáp ứng tính mới hơn về thời gian, đồng thời giúp kho hồ sơ tình huống ngày càng phong phú hơn. Điều này giúp cho giảng viên và học viên tham khảo nghiên cứu thêm đồng thời tránh hiện tượng học viên khóa sau hỏi học viên khóa trước về kết quả nghiên cứu hồ sơ, việc soạn thảo các văn bản tố tụng…. trong hồ sơ để sao chép, đối phó mà không thực sự nghiên cứu hồ sơ.
Đề nghị Học viên Tư pháp phối hợp với Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tòa án xây dựng mối quan hệ hợp tác trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực liên quan;
Đề nghị Học viện Tư pháp nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xác định các chương trình đào tạo nghề tư pháp cho người đã có bằng cử nhân Luật trở lên tại Học viện trong đó có chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là chương trình đào tạo Thạc sĩ theo định hướng ứng dụng./.