Chia sẻ với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết chương trình các môn học đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở góp ý của nhiều chuyên gia, giáo viên. Các môn được biên soạn theo chương trình tổng thể nên bảo đảm tính nhất quán, liên thông.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình tiếng Việt (ở bậc tiểu học)/ngữ văn (bậc THCS, THPT) mới xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe ở mỗi lớp. Nhằm tránh tình trạng bắt học sinh (HS) học thuộc lòng văn mẫu, theo chương trình mới, HS được thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và khuyến khích các bài viết thể hiện quan điểm riêng, sáng tạo.
Ở cấp THPT sẽ chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc là bài thơ “Thần”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Truyện Kiều”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và “Tuyên ngôn độc lập”. Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục. Những nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào sách nhưng phải hướng đến việc phát triển năng lực, phẩm chất HS.
GS Đỗ Đức Thái, thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên Chương trình môn toán cho hay chương trình giáo dục toán học phổ thông trước đây quan tâm nhiều đến chuyện được học những đơn vị kiến thức nào, giải được bao nhiêu dạng bài tập, đi thi được bao nhiêu điểm. Trong khi đó, điểm mới quan trọng nhất, quyết định nhất ở chương trình phổ thông mới môn toán là tinh giản, chuyển từ việc tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học.
Nội dung môn toán phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của toán học; đồng thời chú trọng tính ứng dụng, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác. Đặc biệt, ở từng cấp học, cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trải nghiệm toán học như thực hiện đề tài, dự án học tập về ứng dụng toán học trong thực tiễn, tổ chức các trò chơi toán học…
Đồng thời, Chương trình phổ thông mới lần đầu tiên đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, chương trình này được gọi là hoạt động trải nghiệm; tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Cấp THCS và THPT gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng. Ở THPT, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào giáo dục hướng nghiệp giúp HS tự chọn ngành nghề phù hợp tương lai.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn ngữ văn mới thì tất cả kiến thức được chọn đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành năng lực giao tiếp cho HS, trong đó đặc biệt chú trọng tới chủ thể người học và khả năng ứng dụng tri thức ngữ văn vào cuộc sống. Các kiến thức văn học, tiếng Việt sẽ tích hợp thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các kỹ năng này.
Tương tự với môn lịch sử, ở tiểu học, môn lịch sử sẽ chủ yếu dạy những câu chuyện, có chủ đề gần gũi cuộc sống. Đến bậc THCS, phân môn lịch sử sẽ dạy thông sử theo tiến trình lịch sử. Nhưng điểm khác biệt so với trước là lịch sử Việt Nam sẽ được đặt trong lịch sử thế giới ở từng giai đoạn chứ không tách riêng. Bậc THPT, môn lịch sử sẽ dạy theo các chuyên đề sâu. Việc ghi nhớ, học thuộc lòng số liệu, sự kiện sẽ giảm bớt đáng kể, chỉ chú trọng các bài học, ý nghĩa lịch sử. Bên cạnh đó, có cả những chủ đề định hướng ứng dụng, như sử học với bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, với phát triển du lịch.
Hiện, chỉ có duy nhất môn ngoại ngữ là chưa hoàn tất chương trình bộ môn và có thể sẽ được công bố vào đợt hai. Môn ngoại ngữ đang được xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở chương trình SGK ngoại ngữ thí điểm của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Các môn khác hiện đã hoàn tất. Sau khi công bố, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức có thông báo mời các cá nhân, đơn vị tham gia viết SGK cho chương trình mới.